Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lắng nghe câu chuyện về liệt sĩ Ngô Văn Liên.
Từ giã gia đình đi chiến đấu năm 1970, thanh niên 20 tuổi Ngô Văn Liên anh dũng hy sinh không lâu sau đó. Bà Ngô Thị Lý cho biết, mấy mươi năm trước, cuộc sống khó khăn nên cha của bà không đủ điều kiện vào Nam tìm kiếm hài cốt em trai. Người thân thuộc dần qua đời, thế hệ anh em ruột của liệt sĩ Liên cũng mất. Ký ức về người liệt sĩ trẻ tuổi ngày càng mơ hồ. Bà chưa từng biết mặt người chú này, nhưng cảm nhận rõ nỗi nhớ thương của cha ông qua câu chuyện được nhắc đi nhắc lại.
Trọng trách tìm kiếm liệt sĩ Liên dần “chuyển giao” cho thế hệ của bà Lý. Nhưng thông tin họ có được chỉ là tấm giấy báo tử ố vàng, là những manh mối không đáng kể. “Nhiều lần, chúng tôi vào Nam, đến các nghĩa trang liệt sĩ tìm “vu vơ”, “cầu may”, chứ chẳng có bất kỳ chỉ dẫn nào rõ ràng. Suốt 10 năm nay, chúng tôi gần như hết hy vọng. Bất ngờ, Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang) báo tin tìm thấy hài cốt liệt sĩ Liên. Cả gia đình vội vàng đến nơi, nỗi niềm mừng mừng tủi tủi đong đầy chuyến đi. Rất cảm ơn các anh cán bộ, chiến sĩ đã nỗ lực giúp chúng tôi!”, bà Lý rưng rưng.
Tháng 7 năm nay, gia đình bà bận rộn với các chuyến bay vào Nam, bay ngược về Nghệ An, thuê xe ô tô, rong ruổi cả ngàn cây số, tận tay đưa liệt sĩ Liên về nơi chôn nhau cắt rốn an nghỉ. Ngày 23/7, xã Diễn Châu xúc động đón người con “xa quê” trở về, trong nhang khói linh thiêng. Một lần nữa, liệt sĩ ấy hòa mình vào đất, thanh thản, bình yên. Vang vọng là lời hát “Linh thiêng Việt Nam”: “Các anh ơi hãy về đây, nằm nghe biển ru, nằm nghe sông hát. Mãi mãi tự hào trên đất mẹ yêu thương…”.
Câu chuyện của liệt sĩ Liên còn được kể lại dưới góc nhìn của những người lính quả cảm thời bình. Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng (Đội K93) nhớ lại: “Đầu tháng 5/2025, khi cái nắng ở Vương quốc Campuchia có dấu hiệu lắng dịu xuống, những cơn mưa bất chợt bắt đầu, chúng tôi lại đi tìm đồng đội. Sau nhiều năm đào tìm khắp nơi, xem xét từng tấc đất theo mộ chí, chúng tôi may mắn tìm thấy liệt sĩ Liên ở khu vực huyện Kirivong, tỉnh Takeo, đầy đủ tên tuổi, quê quán trong di vật. Không có niềm vui và hạnh phúc nào tả nổi ngay lúc ấy. Giữa núi rừng Campuchia, tiếng cười, tiếng reo vang pha lẫn tiếng khóc của những người lính đi tìm người lính”.
53 năm, người lính Ngô Văn Liên nằm lại trên đất bạn Campuchia, không bia mộ, không một dòng địa chỉ, chỉ có cỏ cây nơi đây đã chăm sóc và làm bạn cùng ông. Khi ông “trở về”, quá trình tìm người thân cũng mất rất nhiều thời gian. Nhiều lúc, Đội K93 muốn bỏ cuộc, bởi bao nhiêu kết nối đều không được phản hồi. Cuối cùng, Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng may mắn gặp được một cựu chiến binh ở Nghệ An, lần dò tìm đến gia đình liệt sĩ. Nhưng khổ nỗi, gia đình (giờ chỉ còn lại bác dâu - người thờ cúng liệt sĩ, các cháu của liệt sĩ) chuyển về tỉnh Lâm Đồng sinh sống. Lần dò thêm ít lâu nữa, họ đã gặp được nhau, một cuộc gặp gỡ không thể nào quên.
“Trong lễ truy điệu tại Nghĩa trang Liệt sĩ Dốc Bà Đắc, phường Thới Sơn vừa qua, chúng tôi cúi đầu tiễn đưa các anh, những người lính đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Các anh trở về giữa vòng tay Nhân dân, đồng chí, đồng đội đã một thời sát cánh bên nhau, trong tiếng khóc nghẹn ngào của gia đình, trong sự trang nghiêm và lòng thành kính của cả dân tộc. Tổ quốc đưa các anh ra đi, hôm nay những người lính của Đội K93 đưa các anh trở về”, Thiếu tá Nguyễn Văn Dũng xúc động.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Xuyên - Đội trưởng Đội K93, để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại chiến trường Campuchia và trong nước, 25 năm nay, đơn vị kết hợp nhiều phương pháp. Trên cơ sở hội thảo, thông tin nắm được về mộ chí, kết hợp với hồ sơ, dữ liệu, các ban liên lạc đơn vị cũ, cựu chiến binh, thân nhân, gia đình liệt sĩ…, Đội K93 còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ. Nhất là các khu vực trước đây xảy ra chiến sự, vùng sâu, đồi núi, biên giới, địa hình hiểm trở nhiều năm tìm kiếm, quy tập chưa có kết quả.
“Đồng thời, chúng tôi tổ chức lực lượng thành nhiều bộ phận, chia thành nhiều tổ hành quân bộ, khoảng 300 lượt xe ô tô cơ động với lộ trình trên 10.000km đường đồi, núi hiểm trở... để thực hiện nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, quy tập. Chúng tôi quán triệt phương châm “còn thông tin hài cốt liệt sĩ là còn tìm kiếm; tìm kiếm đợt này chưa có kết quả thì đợt sau tiếp tục tìm kiếm; tìm kiếm khi nào hết nguồn thông tin mới tạm dừng”.
Cán bộ, chiến sĩ xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ, trách nhiệm chính trị thiêng liêng, cao cả của thế hệ hôm nay; là trách nhiệm với gia đình liệt sĩ, thể hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, đáp ứng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng thiết tha của thân nhân, gia đình liệt sĩ”.
Liệt sĩ Ngô Văn Liên đã trở về với đầy đủ họ tên, quê quán. Nhưng còn rất nhiều đồng đội của ông, dù trở về vẫn còn thất lạc danh tính hoặc còn nằm lại ở rừng sâu, ở xứ người. Mỗi bộ hài cốt liệt sĩ được quy tập, mỗi nắm đất được đưa về là một hành động thiêng liêng, là một lời nhắn gởi ân tình của các thế hệ hôm nay đối với thế hệ đi trước. Và hành động ấy sẽ mãi mãi tiếp nối, như mạch nguồn tri ân không bao giờ cạn trong lòng người dân Việt Nam.
Bài và ảnh: GIA KHÁNH