Mải mê thí nghiệm đến mức "quên ăn"
Từ nhỏ, Mai Xuân Khôi - học sinh trường Quốc tế Việt Úc, TPHCM đã yêu thích các môn khoa học. Năm lên lớp 7, Khôi bày tỏ nguyện vọng được ba mẹ mua quà tặng sinh nhật và quà thưởng các dịp bằng một hộp kit thí nghiệm hóa học. Thấy con hiếu kỳ và yêu thích hóa học, bố của Khôi đã biến một phòng áp mái thành nơi em tha hồ thử nghiệm các phản ứng hóa học.
"Những đứa luôn đúng giờ như Khôi mà mê mẩn chơi với hóa chất đến mức bố mẹ gọi hoài không thấy xuống ăn cơm trưa. Con không đòi ba mẹ mua quà, chỉ đòi mua mấy bộ thí nghiệm rồi mày mò đốt, xoay ống nghiệm ra đủ thứ...", mẹ của Xuân Khôi kể.
Từ sự tò mò, hiếu kỳ với những phản ứng hóa học trong căn phòng nhỏ, lên cấp 3, Khôi được học chuyên sâu về hóa học ở trường. Khi đó, em xác định mình muốn trở thành một nhà nghiên cứu hóa học, hóa sinh hoặc kỹ sư hóa học.
Từ phòng lab nhỏ ở nhà đến phòng lab lớn ở trường, Khôi đều có rất nhiều kỷ niệm, nhiều cảm xúc. Có lúc em tự phiêu nhưng cũng không ít lần "tụt mood" (tâm trạng đi xuống) vì mất cả tháng thí nghiệm nhưng... phải làm lại từ đầu.
Khôi chụp ảnh ở phòng lab tại nhà.
Trong những nghiên cứu của mình, Khôi tâm đắc với nghiên cứu về sử dụng vật liệu đánh dấu y sinh để phát hiện sớm các tế bào ung thư. Cụ thể, Khôi sử dụng vật liệu Terbium phosphate chứa nguyên tố đất hiếm Tb3+, có thể phát quang và dễ dàng hấp thụ vào trong các khối u. Hợp chất TbPO4 từ vật liệu này sẽ khiến các tế bào ung thư phát sáng, giúp bác sĩ phát hiện và đánh dấu tế bào ung thư trong cơ thể.
Tính cấp thiết và khả thi của nghiên cứu về sử dụng vật liệu đánh dấu y sinh để phát hiện sớm các tế bào ung thư đã giúp Khôi nhận giải Vàng tại một cuộc thi sáng tạo khoa học Kỹ thuật quốc tế với hàng nghìn thí sinh tham dự ở Mỹ.
Ngoài ra, Khôi cũng tham gia thực hiện một số đề tài khác như xử lý nước ô nhiễm, nghiên cứu nồng độ các chất trong nước... "Tuy chỉ mới ở mức sơ khởi nhưng các nghiên cứu cũng được công nhận trên diễn đàn quốc tế, như được đăng bài nghiên cứu trên Tạp chí diễn đàn nhà khoa học trẻ ở Nhật, giải Ba Cuộc thi nghiên cứu khoa học TPHCM, huy chương Bạc cuộc thi ICRYS...", nam sinh chia sẻ.
Nam sinh cũng hay chia sẻ, hướng dẫn các em học sinh đam mê hóa học.
Ký ức về ông nội vào bài luận
Vừa nhận được thư báo trúng tuyển của Đại học John Hopskin, Khôi phải đọc đi đọc lại email để tin đó là sự thật. Trước đó, em khá thoải mái vì đã nhận được nhiều lời mời từ các trường có học bổng hoặc hỗ trợ tài chính. "Các trường top cao của Mỹ năm nay quá đông, em cũng trượt vài trường mơ ước nên hầu như không có áp lực với John Hopskin", Khôi cho biết.
Một trong những điểm cộng của Khôi với hội đồng tuyển sinh của Đại học John Hopskin đó là bài luận viết về ông nội. Trước đó, Khôi dành suốt 2 tháng đề viết nhiều bản, nhiều chủ đề khác nhau. Nhưng sau bao nhiêu bài nháp, Khôi lại quyết định viết về điều gần gũi nhất.
Điều đó xuất phát từ ký ức về ông nội. Ngày bé, em rất thích xem ảnh ông nội đeo huân chương, rồi hay được ba kể về chiến công của ông lúc kháng chiến chống Pháp, sau này tới kháng chiến chống Mỹ. Ông nội Khôi là người lính đặc công ở Tiểu đoàn 409. Tham gia kháng chiến, ông bị thương nặng nhiều lần, thậm chí có giấy báo tử gửi về quê 3 lần. Vì vậy, Khôi rất thần tượng ông nội.
Ở phần tiếp theo của bài luận, từ tinh thần, lý tưởng của ông nội, Khôi viết về sự giác ngộ của bản thân sau những sự việc, tình huống mình đã nóng vội, hiếu thắng... để nhìn nhận giá trị của bản thân.
Bài luận viết về ông nội đã giúp nam sinh Mai Xuân Khôi ghi dấu ấn với hội đồng tuyển sinh của Đại học Johns Hopkins.
Khôi cũng ghi điểm bởi hồ sơ nổi bật, đạt điểm A* (mức cao nhất) cả 7 môn thuộc chương trình IGCSE (chứng chỉ giáo dục phổ thông quốc tế), 1580/1600 SAT (thuộc top 1% thế giới) và IELTS 8.5. Ngoài ra, em cũng giành cú đúp huy chương Vàng môn Toán, huy chương Bạc môn Khoa học tại Olympic STEM quốc tế.
Đạt điểm SAT cao thuộc top 1% thế giới, cả gia đình Khôi đều khá bất ngờ.
Khôi cho biết, mặc dù em có lợi thế học tiếng Anh từ nhỏ nhưng khi thi SAT, phần văn học lại "gây khó". Đó là một dạng chuyên sâu về lĩnh vực văn học Mỹ, nhất là những bài thơ từ thế kỷ 19.
Như vậy, ngoài việc luyện tập thật nhiều, lên YouTube làm nhiều đề, Khôi cũng không có cách thứ 2.
Giai đoạn chuẩn bị hồ sơ cũng khiến Khôi tốn nhiều tâm sức, nhất là để có một bản mô tả về bản thân theo hướng toàn diện, thuyết phục hội đồng tuyển sinh.
"Em không chọn thức khuya học vì em cảm thấy việc thức hôm nay giống như mượn thời gian của ngày mai, rất mệt mỏi. Và ngày hôm sau hầu như không thể làm gì. Vì vậy, em cho rằng, giữ cân bằng sẽ tạo được sức bền cho mình. Chính vì giữ nhịp độ cân bằng như vậy từ bé nên em chỉ gặp số ít trường hợp không chuẩn bị bài hay làm việc sai tiến độ", nam sinh cho biết.
Sắp tới, Khôi sẽ chuẩn bị hành trang tốt nhất để tới Đại học Johns Hopkins theo đuổi ngành Kỹ thuật hóa học định hướng y sinh.
Châu Linh