Nam sinh trường huyện đạt 130 điểm thi Đánh giá năng lực, top 4 Đánh giá tư duy

Nam sinh trường huyện đạt 130 điểm thi Đánh giá năng lực, top 4 Đánh giá tư duy
19 giờ trướcBài gốc
Chia sẻ với VietNamNet, Nguyễn Duy Phong cho hay, sau khi thi xong và biết điểm, em khá sốc vì không nghĩ mình đạt điểm số cao đến thế. Những lần thi thử tại nhà trước đây, em chưa từng đạt đến mức điểm đó, thường chỉ 110-115 điểm. Phong thêm bất ngờ khi nhận thông tin mình là thí sinh có điểm cao nhất sau 2 đợt thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2025 với 130/150 điểm. Số điểm của Phong cũng cao hơn thủ khoa kỳ thi này năm ngoái.
Phong khiêm tốn cho rằng, kết quả này ngoài năng lực còn có cả yếu tố may mắn.
Nguyễn Duy Phong (lớp 12A5, Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) có điểm số cao nhất trong 2 đợt thi Đánh giá năng lực (với 30.793 thí sinh dự thi). Ảnh: NVCC
Bài thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 3 phần: Phần 1 - Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); Phần 2 - Ngôn ngữ - Văn học (50 câu hỏi, 60 phút); Phần 3 lựa chọn - Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút) hoặc Tiếng Anh (50 câu hỏi, 60 phút).
Ở phần Toán học và xử lý số liệu, Duy Phong đạt 48/50; phần Ngôn ngữ - Văn học đạt 44/50 và phần 3 em chọn thi Khoa học (theo 3 chủ đề Vật lý, Hóa học và Sinh học) đạt 38/50.
Trước đó, Phong cũng vượt qua kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội với điểm số lọt top 4 toàn quốc.
Theo Phong, để có kết quả tốt, bản thân phải dành thời gian tập trung ôn luyện. “Thầy chủ nhiệm lớp em khuyến khích phong trào thi đua trong lớp để có mức điểm tốt nhằm xét tuyển vào đại học. Em cũng thử làm các đề tham khảo để nắm định dạng câu hỏi”, Phong nói.
Nam sinh cho hay, đề thi Đánh giá năng lực HSA khác với đề thi tốt nghiệp THPT ở chỗ không nhiều câu vận dụng cao khó hẳn, nhưng yêu cầu thí sinh phải ôn tập nội dung rộng hơn. Áp lực về mặt thời gian cũng rất cao. “Như phần Toán học và xử lý số liệu 50 câu nhưng chỉ trong 75 phút, trung bình thí sinh giải quyết mỗi câu trong 1 phút rưỡi. Khung thời gian của đề thi tốt nghiệp THPT thoải mái hơn cho thí sinh”, nam sinh nói.
Ngoài kiến thức vững vàng, theo Phong, một trong những yếu tố giúp em có kết quả tốt là sự chuẩn bị tâm lý để không quá căng thẳng khi làm bài thi. “Giữ được tâm lý ổn định, bình tĩnh trong phòng thi rất quan trọng, đặc biệt ở kỳ thi Đánh giá năng lực với áp lực thời gian lớn, chỉ khoảng một phút rưỡi/câu”.
Chiến thuật của Phong là đầu giờ thi sẽ tập trung làm những câu dễ trước, nhanh nhất có thể. Sau đó, em dành thời gian suy nghĩ và giải quyết những câu hỏi khó hơn. “Việc này giúp mình có thêm sự tự tin, bình tĩnh trước những câu khó”, Phong nói.
Nói về cách thức học tập, Phong cho hay, ngoài việc tập trung chú ý nghe thầy cô giảng, em thường học theo nhóm để dễ dàng trao đổi, hỏi lại những phần mình còn yếu. Ở nhà, em tranh thủ làm đề và bổ trợ những phần kiến thức mình hay mắc sai lầm.
Khi làm đề, nam sinh cố gắng làm quen và nhớ những dạng bài mình đã làm để khi thi nếu gặp có thể "bật ra” câu trả lời hoặc hướng giải ngay.
Thời gian rảnh, nam sinh cũng theo dõi các trận đấu thể thao điện tử, xem các clip giải trí trên mạng,... Ảnh: NVCC
Nam sinh tự nhận mình học khá đều các môn. Hằng ngày, em không học quá muộn và thường đi ngủ vào 23h. Song trước khi vào học mỗi tối, Phong đặt mục tiêu những bài tập cần hoàn thiện và quyết tâm cao độ thực hiện.
“So với các bạn lớp 12 cùng lứa, em thấy thời lượng và khung giờ học của mình có lẽ ít hơn”, Phong nói.
Nam sinh cho rằng, không chỉ học mà với mọi việc, để có được kết quả tốt, không có cách nào khác ngoài việc cần nỗ lực hết mình. “May mắn là điều chúng ta không thể trông đợi hay kiểm soát. Nhưng em nghĩ nếu chúng ta cứ tiếp tục cố gắng thì may mắn ắt sẽ đến”, Phong nói.
Sau những giờ học căng thẳng, Phong thường xem các clip trên YouTube, mạng xã hội. Những buổi chiều rảnh rỗi, cậu bạn vẫn dành thời gian theo dõi E-sport (thể thao điện tử).
Sau kết quả ấn tượng của 2 kỳ thi, thời gian này, Phong đang tập trung ôn luyện cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và cố gắng hết sức để hướng tới điểm số cao nhất. Song song, em muốn dành thêm thời gian tìm hiểu ngành nghề bản thân muốn theo đuổi trong tương lai. Em đang cân nhắc hướng đăng ký vào ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa hoặc Kỹ thuật Cơ điện tử của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường THPT Chương Mỹ A cho hay Duy Phong là thành viên trong lớp 12A5 - một lớp có tinh thần tự học rất cao.
“Lớp 12A5 được thầy chủ nhiệm 'thổi ngọn lửa' tinh thần rất tốt, các em thi đua nhau học tập, theo gương các anh chị khóa trước. Cá nhân Duy Phong là một học sinh xuất sắc và học tốt rất nhiều môn”, ông Trường nói.
Theo ông Trường, hồi lớp 9, Phong từng là học sinh giỏi môn Tiếng Anh, lên cấp THPT em là học sinh giỏi môn Vật lý, Hóa học, mới đây còn có điểm số lọt top 4 toàn quốc ở kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Thanh Hùng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nam-sinh-dat-130-diem-thi-danh-gia-nang-luc-top-4-diem-cao-thi-danh-gia-tu-duy-2387322.html