Theo kế hoạch, ACB sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng trong quý III/2025
Liên tiếp các kế hoạch tăng vốn “khủng”
ACB đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thêm gần 6.700 tỷ đồng - theo phương án đã được đại hội cổ đông của nhà băng này thông qua. Cụ thể, ACB sẽ phát hành thêm gần 670 triệu cổ phần mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 15%. Sau phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng sẽ tăng từ 44.667 tỷ đồng lên 51.367 tỷ đồng. Thời gian dự kiến hoàn thành kế hoạch tăng vốn là quý III/2025.
Ngân hàng Nhà nước cũng chấp thuận cho VIB tăng vốn điều lệ thêm gần 4.300 tỷ đồng. Theo kế hoạch, VIB dự kiến phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 14%, đưa vốn điều lệ tăng thêm gần 4.171 tỷ đồng. Cùng với đó, Ngân hàng cũng phát hành 7,8 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên, tương ứng tỷ lệ 0,26%, giúp vốn điều lệ tăng thêm 78 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành hai cấu phần trên, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng từ hơn 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng vốn là 14,26%.
VIB cho biết, cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng, trong khi cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Ngay sau khi hoàn tất kế hoạch phát hành riêng lẻ 123,8 triệu cổ phiếu, với mức giá 38.800 đồng/ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 68.975 tỷ đồng lên hơn 70.213 tỷ đồng, đại hội cổ đông thường niên 2025 của BIDV tiếp tục thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 70.213 tỷ đồng lên hơn 91.869 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 30,8%. Theo đó, Ngân hàng sẽ tăng vốn qua 3 phương án: Thứ nhất, tăng vốn thêm 4.985 tỷ đồng từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ; thứ hai, tăng vốn thêm 13.972 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức năm 2023; thứ ba, chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng tối đa 2.698 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2025 - 2026, sau khi được các cơ quan quản lý chấp thuận.
Ngân hàng Vietcombank (mã VCB) cũng sẽ chào bán tối đa 6,5% số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm của đợt chào bán hoặc tại thời điểm của đợt chào bán đầu tiên trong trường hợp có nhiều đợt chào bán. Dự kiến tổng số cổ phiếu chào bán riêng lẻ tối đa 543,1 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000/cổ phiếu cho tối đa 55 nhà đầu tư, bao gồm nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp năm nay hoặc năm tới.
Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tối đa 5.431 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch trên, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ được nâng từ 83.557 tỷ đồng lên gần 88.988 tỷ đồng. Trước đó, vào trung tuần tháng 3/2025, Vietcombank đã chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu với tổng khối lượng phát hành hơn 2,76 tỷ cổ phiếu, giúp tăng vốn điều lệ từ 55.890 tỷ đồng lên gần 83.557 tỷ đồng.
Hiện VCB là ngân hàng có vốn điều lệ đứng đầu hệ thống. Kế đến là VPBank, với vốn điều lệ đạt 79.339 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2023. Đứng vị trí thứ 3 về quy mô vốn điều lệ là Techcombank, với 70.450 tỷ đồng, tăng 100% so với cuối năm 2023. VietinBank giữ vị trí thứ 5, với vốn điều lệ hiện đạt 53.700 tỷ đồng.
Tính đến đầu năm 2025, tổng vốn điều lệ của 28 ngân hàng thương mại trong nước đạt trên 823.500 tỷ đồng (tương đương 33 tỷ USD), tăng 15% so với cuối năm 2023. Số lượng ngân hàng có vốn điều lệ trên 1 tỷ USD đã tăng từ con số 12 ngân hàng lên 15 ngân hàng. Trong đó, nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ.
Nhìn vào kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng, có thể thấy, cách thức tăng vốn phổ biến là từ nguồn lợi nhuận giữ lại (chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia thưởng cổ phiếu). Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, việc tăng vốn bằng nguồn lợi nhuận giữ lại là giải pháp hợp lý với các nhà băng trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nên đẩy mạnh việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu mới, củng cố năng lực tài chính bằng việc phát hành trái phiếu dài hạn.
Yêu cầu cấp thiết
ACB cho biết, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm có thêm nguồn vốn trung, dài hạn cho hoạt động tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ; đồng thời, có thêm nguồn vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng.
Nhận định về câu chuyện tăng vốn của ngành ngân hàng, Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện Việt Nam vẫn chưa có đại diện nào lọt vào Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á. Do đó, việc bổ sung vốn cho Vietcombank sẽ giúp Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu có ngân hàng lọt vào nhóm ngân hàng lớn nhất khu vực. Điều quan trọng nữa là, hiện Vietcombank có hiệu quả kinh doanh rất tốt, chỉ số ROE, ROA đều rất cao so với mặt bằng chung hệ thống, vốn nhà nước được bổ sung cho Vietcombank sẽ được sử dụng hiệu quả.
Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, tăng vốn giúp VCB không chỉ tăng năng lực cạnh tranh trong nước mà cả trong khu vực, bởi đây là ngân hàng có tầm ảnh hưởng trong hệ thống. Bên cạnh đó, việc năng lực tài chính được cải thiện sẽ giúp VCB có thêm nguồn lực để xử lý tồn đọng của ngân hàng 0 đồng vừa được chuyển giao cho ngân hàng này.
Không chỉ Vietcombank, 3 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối còn lại cũng đang kinh doanh tốt, sử dụng hiệu quả đồng vốn nhà nước, nhưng quá trình tăng vốn còn chậm do cơ chế, quy trình thủ tục. Theo BIDV, việc tăng vốn sẽ giúp Ngân hàng có thêm nguồn lực phục vụ cho lĩnh vực tín dụng, hoạt động đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, hoạt động đầu tư; đồng thời, cải thiện tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR), đặc biệt trong bối cảnh Ngân hàng đang tiến tới áp dụng các tiêu chuẩn Basel III. Sau khi hoàn tất các đợt tăng vốn, BIDV sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống ngân hàng, vượt qua VCB, VPBank và Techcombank.
Thực tế, vốn điều lệ đóng vai trò như một “bộ đệm” , đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì tiền mặt giúp các ngân hàng tích lũy vốn tự có, cải thiện CAR và tăng khả năng mở rộng tín dụng. Đặc biệt mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo thông tư quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng (Điều 138), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8% hoặc cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Luật cũng nêu rõ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ bảo đảm an toàn đối với từng loại hình tổ chức tín dụng. Dự thảo thông tư được xây dựng theo hướng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sẽ được nâng lên so với hiện nay, bắt đầu nâng dần từ năm 2030 và đạt mức 10,5% vào năm 2033. Trong đó, đảm bảo vốn cấp 1 tối thiểu 6%, vốn lõi cấp 1 là 4,5%. Tổng vốn cấp 1 và vốn cấp 2 là 8%, vốn đệm bảo toàn vốn là 2,5%. Trường hợp ngân hàng không đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% sẽ không được chia cổ tức tiền mặt.
Như vậy, ngoài đảm bảo quy định về tỷ lệ an toàn vốn, tăng vốn điều lệ là yếu tố tiên quyết giúp ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn đang dần bị siết lại theo lộ trình tại Thông tư số 08/2020/TT-NHNN.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, nhu cầu tăng vốn điều lệ của các ngân hàng xuất phát từ việc gia tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn, đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ... và đặc biệt là cải thiện hệ số CAR. Năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục là năm đầy thách thức với ngành ngân hàng, khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng. Vốn điều lệ vì thế đóng vai trò quan trọng, đem lại nguồn lực cần thiết cho các ngân hàng đối phó với những thách thức và biến động trong môi trường kinh tế không ổn định; tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục hỗ trợ vốn cho các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân.
Nguyên Linh / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng 2025