Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025 vừa công bố, CTCP Nam Việt (Navico, mã: ANV) ghi nhận doanh thu thuần 1.726 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Kỳ vừa rồi, chi phí quản lý và tài chính của doanh nghiệp đều được thu hẹp. Riêng chi phí bán hàng tăng gần 43% lên 95 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh các khoản chi trả hoa hồng và vận chuyển. Biên lợi nhuận theo đó được cải thiện lên 28%.
Lợi nhuận sau thuế đạt 333 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với số lỗ hơn 2 tỷ đồng trong quý II/2024, đánh dấu quý có lãi cao nhất trong vòng 8 năm kể từ khi doanh nghiệp lên sàn UPCoM năm 2017. Thậm chí con số này gấp 3,8 lần lợi nhuận năm 2023 và năm 2024 cộng lại.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Navico đạt 2.832 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng 32 lần lên 465 tỷ đồng.
Năm 2025, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng tham vọng với lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, định hướng tiếp tục mở rộng quy mô lợi nhuận lên 1.200 tỷ vào 2026 và 1.400 tỷ đồng năm 2027. Như vậy, sau nửa năm kinh doanh, Navico đã hoàn thành hơn 51% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Doanh nghiệp cho biết sự phục hồi chung của nền kinh tế và tín hiệu tích cực từ thị trường xuất khẩu đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý vừa qua. Kết quả khả quan cho thấy hiệu quả từ việc đẩy mạnh tiêu thụ, tái cấu trúc kênh phân phối và điều chỉnh giá bán phù hợp theo từng thị trường.
Trước đó, vào đầu tháng 4, ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch ANV cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2025, công ty có thể ghi nhận mức lợi nhuận khoảng 300 tỷ đồng trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu rất dồi dào, sản xuất không kịp giao hàng. Nhu cầu tại các thị trường lớn đều có dấu hiệu hồi phục sau giai đoạn dài trầm lắng, giúp cả sản lượng tiêu thụ lẫn giá bán tăng.
Thông tin về rủi ro chính sách thuế quan mới của Mỹ, ông Doãn Tới cho biết, mặc dù Mỹ là thị trường tiềm năng cho sản phẩm cá tra và cá rô phi của công ty nhưng đây không phải thị trường trọng tâm mà Thủy sản Nam Việt hướng đến. Trên thực tế, công ty đang tập trung khai thác các thị trường Trung Quốc, Trung Đông, Brazil, châu Á, Mexico...
Ngoài ra, Thủy sản Nam Việt sẽ đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường, cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm hạ giá thành sản xuất xuống mức thấp nhất, tự động hóa các công đoạn sản xuất.
Mới đây, Nam Việt đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với AV09 Comercio Exporter Ltd - doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm lớn tại Brazil. Qua đó, Công ty trở thành bên tham gia cung ứng lô hàng đầu tiên gồm cá tra, cá basa và cá rô phi xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang Brazil.
Kết quả khởi sắc của Nam Việt nằm trong những tín hiệu tích cực chung của ngành thủy sản nói riêng và xuất khẩu của Việt Nam nói chung. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), lũy kế xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024.
Cùng với đó, thông tin về việc áp thuế đối ứng của Mỹ đang nóng hơn bao giờ hết. Theo thông tin cập nhật ngày 15/7/2025, Mỹ gia hạn tạm dừng thuế quan đối ứng, chuẩn bị áp thuế mới từ 1/8. Với sắc lệnh mới, Tổng thống Trump đã gửi thư chính thức đến một số quốc gia, thông báo áp dụng mức thuế quan đối ứng mới với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia này vào Hoa Kỳ, có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2025.
Trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng từ Mỹ, một số doanh nghiệp chuyển sang các sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao để nâng giá trị, đồng thời tránh rủi ro bị đội giá sau thuế. Do đó, việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ các đơn hàng từ đầu năm, đặc biệt là các hợp đồng giao hàng FOB/CIF ký trước đó, nên chưa phản ánh đúng tình hình thực tế của tháng 6.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2025, tổng tài sản của Navico đạt 5.150 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Tài sản chủ yếu gồm hàng tồn kho (1.590 tỷ đồng), tài sản cố định và các khoản phải thu ngắn hạn.
Nợ phải trả giảm gần 9% còn 1.888 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm dư nợ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn.
Trang Mai