Kể từ khi Israel nối lại chiến dịch quân sự ở Gaza cách đây 2 tháng, cơ quan y tế Palestine đã báo cáo về hàng chục người chết mỗi ngày do các cuộc không kích, theo tờ The Conversation.
Mục tiêu quân sự và chính trị tổng thể của Israel tại Gaza không thay đổi sau 19 tháng chiến tranh: Tel Aviv vẫn đang theo đuổi việc đánh bại hoàn toàn Hamas và đưa các con tin Israel còn lại trở về.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không rõ làm thế nào Hamas có thể bị đánh bại về mặt quân sự nếu không có sự đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện, cũng như việc giao nộp toàn bộ vũ khí. Viễn cảnh này có vẻ khó xảy ra, bất chấp việc Israel đã phần nào thành công với chiến lược tiêu diệt ban lãnh đạo Hamas.
Hiện Hamas vẫn được cho là đang giam khoảng 57 con tin Israel tại Gaza, trong đó có thể còn tới 24 người còn sống. Nhóm này yêu cầu Israel phải cam kết chấm dứt chiến tranh trước khi thả thêm bất kỳ con tin nào.
Cuộc phong tỏa kéo dài 18 năm
Hôm 18-5, Israel thông báo sẽ cho phép một lượng “tối thiểu” thực phẩm được đưa vào Dải Gaza sau gần ba tháng phong tỏa dải đất này. Tuy nhiên, không rõ khi nào và bằng cách nào viện trợ sẽ được nối lại, trong bối cảnh quân đội Israel cùng ngày cho biết đã bắt đầu các chiến dịch trên bộ “quy mô lớn” mới.
Israel lần đầu áp đặt phong tỏa đường bộ, đường biển và đường không đối với Gaza vào năm 2007 sau khi Hamas lên nắm quyền. Các biện pháp hạn chế này đã khiến việc đi lại của người dân và phương tiện qua biên giới bị giới hạn nghiêm ngặt, đồng thời cản trở đáng kể lượng thực phẩm, thuốc men và hàng hóa khác được phép vào và ra khỏi Gaza. Các biện pháp kiểm soát còn được siết chặt hơn nhiều sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7-10-2023 và được duy trì ở mức độ cao từ đó đến nay.
Lệnh ngừng bắn hồi tháng 1 đã tạm thời giúp gia tăng dòng viện trợ thực phẩm, y tế và hỗ trợ nhân đạo vào Gaza. Tuy nhiên, điều này chấm dứt vào đầu tháng 3 khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu một lần nữa chặn viện trợ để gây sức ép buộc Hamas gia hạn lệnh ngừng bắn và thả thêm con tin. Giao tranh bùng phát trở lại ngay sau đó.
Trẻ em Palstine tại một bếp ăn từ thiện ở TP Gaza (Dải Gaza). Ảnh: EPA
Nỗ lực nhân đạo của Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Gaza hiện đã “gần như tê liệt hoàn toàn”.
“Hơn 10 tuần qua, không có gì được đưa vào Gaza, không thực phẩm, không thuốc men, không nước, không lều bạt. Tất cả 2,1 triệu người Palestine ở Dải Gaza đều đối mặt nguy cơ đói kém. Cứ 5 người thì có 1 người có nguy cơ chết đói” - ông Tom Fletcher, Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của LHQ, phát biểu trước Hội đồng Bảo an LHQ hôm 13-5.
Israel phủ nhận có tình trạng thiếu lương thực tại Gaza. Nước này cho biết sẽ không cho phép bất kỳ xe tải viện trợ nào đi vào dải đất cho đến khi có một hệ thống mới nhằm ngăn Hamas chiếm đoạt nguồn cung.
Luật pháp quốc tế quy định thế nào?
Cả Công ước Geneva năm 1949 và tập quán quốc tế đều quy định rõ: Việc sử dụng nạn đói để chống lại dân thường như một phương thức chiến tranh là hành vi bị cấm.
Ngoài ra, Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) quy định việc làm cho dân thường bị đói là tội ác chiến tranh.
Ông Tom Fletcher nhấn mạnh rằng theo luật nhân đạo quốc tế, Israel có nghĩa vụ bảo đảm viện trợ đến được với dân thường tại các vùng lãnh thổ mà nước này chiếm đóng. Tuy nhiên, ông cho rằng phương thức phân phối viện trợ của Israel khiến việc cứu trợ trở thành điều kiện phục vụ các mục tiêu chính trị và quân sự và biến nạn đói thành con bài mặc cả.
Các tòa án quốc tế cũng ra phán quyết về nghĩa vụ của Israel trong vấn đề này.
Phiên điều trần của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về nghĩa vụ nhân đạo của Israel đối với người Palestine vào tháng 4. Ảnh: EPA
Vào tháng 11-2024, ICC đã phát lệnh bắt lãnh đạo Hamas Mohammed Deif cùng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.
Với hai nhân vật Israel, bộ phận phụ trách công tác tiền xét xử của ICC kết luận: “Có căn cứ hợp lý để tin rằng cả hai người đã cố ý và có hiểu biết khi tước đoạt của dân thường ở Gaza những thứ thiết yếu cho sự sống, bao gồm lương thực, nước sạch, thuốc men và vật tư y tế”.
Do Israel không phải là thành viên Quy chế Rome, nước này không có nghĩa vụ thi hành các lệnh bắt. Cả ông Netanyahu và ông Gallant vẫn có thể tự do đi lại miễn là không đặt chân vào lãnh thổ của quốc gia thành viên ICC. Ngay cả khi họ vào các lãnh thổ này, việc bị bắt cũng không được đảm bảo.
Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) cũng đang thụ lý một vụ kiện khác, trong đó Nam Phi cáo buộc Israel phạm tội diệt chủng đối với người Palestine tại Gaza.
Vụ kiện bắt đầu bằng các phiên điều trần thu hút sự chú ý vào năm ngoái, khi tòa đưa ra các biện pháp tạm thời – tức các mệnh lệnh yêu cầu Israel không thực hiện bất kỳ hành động nào có dấu hiệu diệt chủng.
Trong lệnh gần đây nhất, ban hành hồi tháng 5, ICJ yêu cầu Israel ngay lập tức chấm dứt chiến dịch tấn công tại TP Rafah (miền Nam Gaza) và duy trì việc mở cửa khẩu Rafah với Ai Cập để bảo đảm việc chuyển giao viện trợ và các dịch vụ cơ bản thiết yếu không bị cản trở và ở quy mô lớn.
Các yêu cầu này vẫn còn hiệu lực. Thế nhưng, Rafah hiện nay đã trở thành “vùng cấm”, người dân Gaza bị ra lệnh sơ tán, trong khi việc phong tỏa và hạn chế thực phẩm, viện trợ vào Gaza của Israel rõ ràng đi ngược lại mệnh lệnh của tòa.
Cuối tháng trước, ICJ đã mở phiên điều trần để đưa ra ý kiến tư vấn về nghĩa vụ của Israel trong việc cho phép viện trợ vào Gaza. Ngoại trưởng Israel - ông Gideon Saar chỉ trích các phiên điều trần của ICJ là “một nỗ lực khác nhằm chính trị hóa và lạm dụng tiến trình pháp lý để truy bức Israel”.
Ý kiến tư vấn của tòa về vấn đề này sẽ chưa có trong vài tháng tới. Trong khi đó, phán quyết cuối cùng đối với vụ kiện lớn hơn của Nam Phi có thể mất vài năm mới được đưa ra.
“Việc luật pháp quốc tế ngày càng bị thách thức đang gây ảnh hưởng đến những tiến bộ trong việc xây dựng các nguyên tắc nhằm bảo vệ dân thường trước xung đột và bạo lực. Điều cần thiết hiện nay là phải đề cao các giá trị nhân đạo, pháp lý và lý trí trong ứng xử quốc tế” - theo ông Tom Fletcher.
THẢO VY