Sạt lở tàn phá nặng nề rừng phòng hộ ven biển Đông tỉnh Cà Mau, đoạn thuộc địa bàn huyện Đầm Dơi.
Nguyên nhân sâu xa là bởi Cà Mau chưa chủ động được nguồn lực nên phần lớn các công trình ứng phó với sạt lở của địa phương này thường chỉ được thực hiện khẩn cấp trong tình huống đã rồi...
Sạt lở ven biển, ven sông
Hơn chục năm gắn bó với nghề khai thác thủy sản ven bờ, gia đình bà Nguyễn Thúy Hằng ở ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, bất chợt phát giác cái nhà của mình đã “chạy” về phía biển.
“Ngày trước, nhà tôi cách dãy rừng phòng hộ hơn 300m, giờ nơi đó đã là biển rồi”, bà Hằng bỏ lửng câu nói, đưa tay về hướng biển với những con sóng cao cuồn cuộn như mái nhà.
Khu vực gia đình bà Hằng sinh sống thuộc bờ biển Đông của tỉnh Cà Mau, trải dài đến tận Đất Mũi với hơn 100km. Dọc tuyến bờ biển ấy hiện đang bị sạt lở loang lổ, đai rừng phòng hộ bị tàn phá nặng nề. Một số đoạn sạt lở đang ở mức độ báo động, như: Hố Gùi đến Bồ Đề; cửa biển Hốc Năng; kênh Năm đến kênh Chùm Gọng; kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy; Kiến Vàng đến Ông Tà; Khu vực cửa biển Lưu Hoa Thanh.
Số liệu mới cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 83km/254km chiều dài bờ biển bị sạt lở ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm hơn 61km, tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 25-50m, có những nơi lên đến 50-80m; sạt lở nguy hiểm dài 22km, tốc độ sạt lở hằng năm bình quân từ 20-40m.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau Nguyễn Thanh Tùng, chỉ tính riêng khu vực bờ biển Ðông, nếu tính mốc từ năm 1990 đến 2023, trung bình mỗi năm bị sạt lở lấn vào đất liền khoảng 25,4m. Tính ra, tổng diện tích đất và rừng đã bị mất hoàn toàn ở khu vực trên khoảng hơn 8.820ha.
“Còn tại bờ biển Tây, chỉ riêng khu vực huyện U Minh, vào thời điểm năm 2006 có đến 741ha rừng ngập mặn thì nay còn khoảng hơn 500ha, tức đã bị mất khoảng 30% diện tích. Số đai rừng còn lại còn khá hẹp, không đủ sức bảo vệ đê vùng ven biển", ông Tùng cho biết thêm.
Không chỉ vùng ven biển mà trong khu vực nội đồng của Cà Mau, tình hình sạt lở cũng diễn biến phức tạp theo chiều dài của hệ thống sông ngòi, kênh rạch… Trong tổng số hơn 8.000km chiều dài hệ thống sông ngòi ở Cà Mau, hiện có khoảng 425km bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở.
Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120km, tập trung tại địa bàn các huyện: Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước; sạt lở nguy hiểm khoảng 305km, chủ yếu xảy ra ở các đoạn bờ sông có mật độ dân cư thưa và hạ tầng bên trong chủ yếu là giao thông nông thôn.
Theo ông Lê Minh Hiền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Dơi, toàn huyện hiện có hơn 441 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Trong đó, vùng nội thủy ven sông hơn 33km và ven biển Đông khoảng 18km có nguy cơ sạt lở cao, mức độ xâm thực trung bình hằng năm khoảng 30m, tức mỗi năm huyện mất hơn 54ha rừng phòng hộ vì sạt lở.
“Dù đã rất nỗ lực nhưng huyện bị hụt hơi về nguồn lực cho công tác phòng, chống sạt lở, rất cần được tiếp sức từ cấp trên chứ ngân sách địa phương không lo xuể”, ông Hiền chia sẻ.
Khi nào khắc phục hết sạt lở?
Đây cũng là trăn trở của các cấp lãnh đạo tỉnh Cà Mau trong hơn chục năm qua. Cả ven biển, ven sông đâu đâu cũng sạt lở. Giảm thiểu phần nào những mất mát do sạt lở gây nên, trong nhiều năm liên tục, Cà Mau phải xin cứu viện từ bộ, ngành Trung ương và Chính phủ.
Nhờ được tiếp sức, đến nay, tỉnh Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được khoảng 78km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng. Còn khu vực vùng nội thủy, đã xây dựng được hơn 9km kè bảo vệ bờ sông, kinh phí hơn khoảng 390 tỷ đồng.
Các công trình ứng phó với sạt lở ven sông, ven biển bước đầu đã phát huy tác dụng, giảm thiểu sạt lở tại những khu vực xung yếu, kịp thời bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân trước các hình thái cực đoan của biến đổi khí hậu.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ, nhờ trược Trung ương hỗ trợ vốn kịp thời nên những công trình kè chống sạt lở bờ biển đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.
Dẫu vậy, theo ông Vũ, với khoảng 1/3 chiều dài ven biển và hàng trăm km chiều dài ven sông đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao tại Cà Mau, nếu không có giải pháp công trình bảo vệ kịp thời thì nguy cơ sẽ mất thêm rất nhiều đất đai và rừng phòng hộ vốn đã được hình thành qua hàng trăm năm; nhiều tuyến dân cư tiếp tục bị uy hiếp, nhiều công trình đã đầu tư có thể sẽ bị sạt lở phá hủy…
"Thay vì triển khai công trình trong tình huống sạt lở đã xảy ra, nếu chủ động được nguồn lực, chúng ta triển khai trước tại những khu vực nguy cơ cao. Khi đó, dù vẫn tốn kinh phí cho phòng, chống sạt lở nhưng bù lại chúng ta không mất đất, mất rừng, mất đi những công trình hạ tầng đã đầu tư trước đó", ông Phan Hoàng Vũ chia sẻ.
Cũng theo ông Vũ, đầu tư chống sạt lở khá tốn kém nên nếu chỉ dựa vào “bầu sữa ngân sách” thì vài chục năm sau, thậm chí 100 năm nữa, Cà Mau chưa chắc khắc phục hết sạt lở.
Giải bài toán nêu trên, trong nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Trung ương và Chính phủ, Cà Mau kiến nghị cấp thẩm quyền cho phép thí điểm thực hiện các công trình phòng, chống sạt lở theo cơ chế đặc thù, bằng cách: cho phép tỉnh giao, cho doanh nghiệp thuê một phần diện tích đất rừng phòng hộ nằm phía sau công trình kè đối với khu đất đã bị sạt lở để xây dựng công trình, dự án phát triển kinh tế; hoặc giao đất ở vị trí khác để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án kè bảo vệ bờ biển.
Đồng thời, cho phép Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc thực hiện các dự án thí điểm nói trên; cho phép điều chỉnh kịp thời quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch rừng ven biển phù hợp với thực trạng diễn biến sạt lở.
Khi thực hiện được việc xã hội hóa, kêu gọi thêm nguồn lực từ bên ngoài và doanh nghiệp, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc triển khai các công trình ứng phó với sạt lở, giảm gánh nặng cho ngân sách.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Cà Mau đã hoàn thành dự thảo Đề án phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến 2050.
Theo đề án trên, Cà Mau phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển. Đến năm 2030, hoàn thành khoảng 90% việc sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực bờ biển, bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở cao; các khu vực sạt lở nguy hiểm tại các khu vực bờ sông cơ bản được xử lý bằng giải pháp công trình.
Để thực hiện các mục tiêu đề ra, trước mắt, Cà Mau đã có kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí giúp tỉnh thực hiện các dự án khắc phục sạt lở khẩn cấp bờ biển Ðông, tổng kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng; đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện hoàn thành Dự án xây dựng đê biển Tây và kè phòng, chống sạt lở bờ biển các đoạn xung yếu…
Theo Đề án phòng, chống sạt của tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh này cần khoảng hơn 31.200 tỷ đồng để đầu tư 177 công trình phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, đê sông, đê biển và công trình chỉnh trị lòng sông. Trong số này, có 10 công trình chống sạt lở bờ biển; 30 công trình phòng, chống sạt lở bờ sông; 36 công trình chỉnh trị giảm thiểu xói lở; 5 công trình đê biển; 96 công trình đê sông.
HỮU TÙNG