Nạn nhân vụ lừa đảo của Mr Pips phải làm gì để lấy lại tiền?

Nạn nhân vụ lừa đảo của Mr Pips phải làm gì để lấy lại tiền?
3 giờ trướcBài gốc
Trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phó Đức Nam (Mr Pips, 30 tuổi), Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) cầm đầu, cơ quan chức năng xác định có ít nhất hơn 2.600 bị hại và tổng số tiền nạn nhân đã nạp lần đầu là khoảng 50 triệu USD.
Theo luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội, tất cả những cá nhân đã chuyển tiền và mất tiền trong đường dây lừa đảo của Mr Pips muốn lấy lại được tiền, cần phải thực hiện các thủ tục theo trình tự được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo đó, những người là nạn nhân trong vụ việc cần tổng hợp lại hồ sơ thể hiện việc đã chuyển tiền vào đường dây lừa đảo của đối tượng Mr Pips. Những tài liệu, chứng cứ thể hiện việc bị dụ dỗ, trao đổi như các tin nhắn, cuộc gọi, tài khoản giao dịch trên App do các đối tượng lập, thư mời,…vào đường dây lừa đảo để thực hiện việc trình báo tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Những hình ảnh khoe mẽ của Phó Đức Nam trên mạng xã hội. Ảnh: MXH
Hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đang xác minh, thụ lý, giải quyết vụ án. Do đó, những người là nạn nhân của vụ án có thể gửi đơn trình báo và các hồ sơ, các tài liệu minh chứng bị lừa đảo, bị mất tiền trong đường dây lừa đảo của Mr Pips tới cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội hoặc Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội để được thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Sau khi được các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, các cơ quan này sẽ tiến hành mời những bị hại đến để lấy lời khai, tiến hành xác minh làm rõ các tình tiết trong vụ án, đối chiếu các dữ liệu, tài liệu liên quan; xác định tư cách bị hại theo quy định, lập danh sách đưa vào hồ sơ vụ án.
Sau khi hoàn tất các thủ tục để được xác định là bị hại nêu trên, và được tham gia tố tụng, những người bị hại cần chờ kết quả điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án để nhận lại tiền theo quy định của các văn bản luật chuyên ngành.
Thực tế, khi khởi tố vụ án, tiến hành khám xét tại nơi ở, chỗ làm việc của các đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản có giá trị như vàng, tiền, siêu xe… Các tài sản này có giá trị ước tính khoảng 5.200 tỷ đồng. Có thể trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản khác có giá trị.
Như vậy, theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự, những tài sản thu giữ nêu trên được xác định là vật chứng trong vụ án. Căn cứ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự, những tài sản này phải được niêm phong, để đảm bảo quá trình giải quyết vụ án.
Trong quá trình giải quyết vụ án, căn cứ quy định tại khoản 2, điểm a, khoản 3, Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu những tài sản này không liên quan đến vụ án, không phải là tài sản do phạm tội mà có thì có thể được người có thẩm quyền xem xét để trả cho chủ sở hữu.
Trường hợp các tài sản này có liên quan đến hành vi phạm tội, do thực hiện hành vi phạm tội mà có thì sẽ bị người có thẩm quyền có thể xử lý theo hướng tịch thu, nộp ngân sách nhà nước, đảm bảo quá trình thi hành án có hiệu quả khi sau này vụ án được giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
Hoặc quá trình điều tra, giải quyết vụ án xác định, tách biệt rõ được nguồn tiền chiếm đoạt của bị hại nào thì số tài sản này sẽ được người có thẩm quyền quyết định để trả lại cho bị hại số tiền tương ứng đã bị nhóm đối tượng chiếm đoạt.
Như vậy, các bị hại trong vụ án hoàn toàn có cơ hội được lấy lại số tiền mình đã bị lừa đảo chiếm đoạt trong vụ án.
Phúc Đức
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/nan-nhan-vu-lua-dao-cua-mr-pips-phai-lam-gi-de-lay-lai-tien-169241217104801507.htm