Nâng bước thủ khoa 2024: Học để mở cánh cửa tương lai

Nâng bước thủ khoa 2024: Học để mở cánh cửa tương lai
19 giờ trướcBài gốc
Vượt qua trầm cảm, Châu Minh Phát đã lấy lại được nụ cười và tự tin bước tiếp trên con đường của mình
Vượt qua trầm cảm
Mỗi ngày, Phát đều dậy sớm bắt xe buýt đi từ ký túc xá Đại học quốc gia (TP Thủ Đức) để đến học tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Phát là một trong những sinh viên đậu vào trường với số điểm rất cao và đang theo học khoa Công nghệ thông tin.
Trên giảng đường, Phát chăm chú nghe giảng, cẩn thận ghi chép những thông tin cần thiết. “Em muốn theo đuổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), hoặc nghiên cứu lập trình ứng dụng. Ước mơ của em là học thật tốt, săn tìm học bổng để có cơ hội được ra nước ngoài tiếp tục học tập, nghiên cứu… Có kiến thức tốt, em sẽ trở về góp sức xây dựng quê hương, giúp đỡ gia đình và để mẹ em dù đã đi xa vẫn có thể tự hào về con trai của mình” - Phát trải lòng.
Chàng sinh viên mới 18 tuổi với khuôn mặt hiền lành nhưng lại có tuổi thơ cơ cực. Nhiều biến cố ập đến trong cuộc đời của Phát khi mẹ phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo. Cha làm thuê làm mướn, vay mượn khắp nơi để lo chạy chữa cho mẹ. Những tưởng mẹ sẽ vượt qua nhưng cuối cùng vẫn không chiến thắng được tử thần. “Em nhớ mãi thời gian ấy là Tết năm 2021, khi người người vui vẻ sum vầy đón năm mới thì gia đình em chỉ toàn màu xám. Sau hai năm chịu đau đớn, mẹ đã ra đi để lại vết thương khó lành trong em và gia đình” - Phát nghẹn ngào nói.
Từ cậu học sinh chăm chỉ, sáng dạ, Phát dần trở nên ít nói, thu mình trước người khác từ khi mẹ mắc bệnh, áp lực thi cấp 3, áp lực “cơm áo gạo tiền”…. Thậm chí cậu phải nhập viện vì trầm cảm. Phát nói, có lúc muốn buông xuôi nhưng thấy cha vất vả, hai em nhỏ đang đi học đã lôi cậu trở về thực tại.
Khi nhận được thông báo sẽ được nhận học bổng Nâng bước Thủ khoa năm 2024 do báo Tiền Phong tổ chức, Châu Minh Phát vỡ òa trong hạnh phúc. Ngay lập tức, cậu gọi điện thoại báo tin cho cha ở quê hay. Phát tin rằng, con đường phía trước sẽ còn nhiều gập ghềnh sỏi đá, nhưng vẫn luôn có những người đưa tay ra để nâng bước cho em. Và học bổng Nâng bước Thủ khoa của báo Tiền Phong chính là một “quý nhân” như thế.
“Mần” đủ nghề kiếm tiền đi học
Ngay từ khi còn là học sinh lớp 8, Phát đã làm thêm nhiều nghề để kiếm tiền đi học, đỡ đần gia đình. “Cha phụ việc ở vựa ghẹ nên em cũng theo cha. Từ khuân vác, lọc lựa, vận chuyển… việc gì cần người thì em đều nhận. Ngay trước khi lên TPHCM nhập học, em cũng làm thêm ở vựa ghẹ gần 3 tháng. Các cô chú ở vựa biết hoàn cảnh gia đình em khó khăn nên rất tạo điều kiện. Nhờ vậy, em dành dụm được số tiền gần 12 triệu đồng mang lên thành phố để đóng tiền trường và nhiều chi phí sinh hoạt khác” - Phát vui vẻ cho biết.
Ngày nhập học, Phát một mình xách ba lô, bắt xe đò lên TPHCM mà không có người thân theo cùng. Nhưng cậu không lấy đó làm buồn lòng mà lại càng thêm quyết tâm chinh phục con đường học vấn.
Hiện, gia đình của Phát không có đất đai hay nhà cửa nên phải sống nhờ nhà ông bà ngoại. Ông bà tuổi cao lại hay đau bệnh. Tất cả các thành viên trong nhà đều sống dựa vào đồng lương xuôi theo con nước của cha. Vì vậy, Phát nén những đau buồn vào trong lòng và hướng đến những điều tích cực, với quyết tâm học thật giỏi để có một tương lai tươi sáng để phụ giúp gia đình.
Phát kể, mỗi ngày chỉ dám ăn 2 bữa, mì gói là “chuyện thường ngày”. Hàng tháng, cha gửi lên cho Phát 2 triệu đồng để chi phí ở TPHCM. “Ở quê, chỉ có một mình cha em đi làm để lo cho ông bà ngoại và hai em trai còn nhỏ. Thế nên số tiền cha gửi cho em là một cố gắng rất lớn. Em dự định sau khi ổn định việc học trong thời gian đầu, sang năm em sẽ tìm việc dạy thêm để tự lo ăn học. Dù có khó khăn như thế nào, em vẫn cố gắng vươn lên” - chàng sinh viên chia sẻ.
Uyên Phương
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/nang-buoc-thu-khoa-2024-hoc-de-mo-canh-cua-tuong-lai-post1703460.tpo