Nâng cao chất lượng bán trú cho học sinh vùng cao

Nâng cao chất lượng bán trú cho học sinh vùng cao
3 giờ trướcBài gốc
Dãy nhà ở bán trú và nhà bếp Trường PTDTBT THCS Thu Ngạc được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập và sinh hoạt của học sinh.
Trước đây, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) THCS Thu Ngạc phải đối mặt với tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu thốn, không đáp ứng đủ nhu cầu bán trú cho học sinh. Vì thế, nhiều em ở khu Cọ Sơn, Đèo Mương cách trường gần 10 km phải ở trọ để cố gắng không bỏ học giữa chừng. Những khó khăn này không chỉ khiến phụ huynh lo lắng, mà còn đặt ra thách thức lớn cho nhà trường trong việc duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp và nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Điệp - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Từ năm học 2022-2023, nhờ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 5), nhà trường đã được sự đầu tư xây dựng khu nhà ở bán trú 2 tầng 16 phòng, bếp ăn và các công trình phụ trợ khang trang với tổng kinh phí 9,2 tỷ đồng. Từ tháng 4/2024, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 200 học sinh/462 học sinh của trường được thụ hưởng điều kiện sinh hoạt tiện nghi, đảm bảo an toàn và vệ sinh. Cùng với đó, nhà trường tiếp tục được đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng để trang bị các thiết bị dạy học hiện đại: Phòng tin học, phòng học ngoại ngữ, thiết bị dạy học môn nghệ thuật, giáo dục thể chất...”.
Nhờ sự đầu tư đồng bộ đã mang lại thay đổi rõ rệt trong công tác giáo dục của nhà trường. Em Hoàng Thị Bích Hưu - lớp 7A cho biết: “Nhà em ở khu Cọ Sơn cách xa trường, nên em đăng ký bán trú. Em cùng các bạn giờ đây được sinh hoạt trong không gian rộng rãi, thoáng mát, được trang bị đầy đủ giường, tủ và các vật dụng cần thiết, quạt mát mùa Hè, chăn đệm ấm mùa Đông, bếp ăn hiện đại, sạch sẽ. Vì thế, bố mẹ em yên tâm ở nhà đi làm vì ở đây đã có thầy cô giúp đỡ, bảo ban”.
Năm học 2024-2025, Trường PTDTBT Tiểu học Thu Ngạc có 588 học sinh, trong đó tỷ lệ học sinh bán trú chiếm 45,4%. Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở vật chất phục vụ bếp ăn bán trú cho học sinh, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiền - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “267 học sinh bán trú tại trường đang được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn và chi phí học tập hàng tháng theo quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất phục vụ bán trú còn tạm bợ, thiếu thốn, nên cả cô và trò cũng đang cố gắng khắc phục để vẫn đảm bảo chất lượng mỗi bữa ăn bán trú cho các cháu”.
Được biết, công trình xây dựng bếp ăn bán trú cho học sinh nhà trường từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đang được tiến hành san gạt mặt bằng, chuẩn bị khởi công và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng dịp đầu năm học mới 2025-2026. Đây là niềm vui giúp tập thể nhà trường quyết tâm thi đua dạy tốt, học tốt.
Chất lượng bữa ăn được đảm bảo, góp phần duy trì sức khỏe cho học sinh bán trú.
Sự quan tâm đầu tư cho giáo dục tại xã Thu Ngạc không chỉ là câu chuyện về những con số hay công trình, mà còn là hành trình chắp cánh ước mơ cho hơn 1.400 học sinh ở cả 3 cấp học trên địa bàn. Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm đáng kể, nâng tỷ lệ học sinh đi học tại các trường THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trường nghề. Điểm bình quân thi vào trường THPT năm sau cao hơn năm trước. Những thay đổi tích cực hôm nay là minh chứng cho hiệu quả của các chính sách hỗ trợ giáo dục, sự đồng lòng của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của cộng đồng.
Các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/07/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở vùng đặc biệt khó khăn; Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non. Nhờ đó, chất lượng giảng dạy được nâng cao, an ninh, trật tự tại các trường đảm bảo, quản lý chặt chẽ đối với học sinh ở bán trú. Công tác xã hội hóa triển khai phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc tranh thủ tối đa nguồn lực đầu tư của các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như huy động nguồn lực tại chỗ và sự ủng hộ của Nhân dân, những công trình: Nhà lớp học, nhà điều hành, nhà ở bán trú, bếp ăn cho học sinh tại các trường học trong xã đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Để duy trì và phát huy những thành quả này trong thời gian tới, địa phương cần tiếp tục huy động nguồn lực, nâng cao chất lượng quản lý và tổ chức bán trú, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Từ đó, từng bước khẳng định vị thế của mình trong bản đồ giáo dục vùng cao, mang lại tương lai tươi sáng hơn cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Hồng Nhung
Nguồn Phú Thọ : https://baophutho.vn/nang-cao-chat-luong-ban-tru-cho-hoc-sinh-vung-cao-232484.htm