Thiếu tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ngọc - Phó Giám đốc Bệnh viện chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo.
Trong bối cảnh hệ thống bệnh viện quân y hiện nay, do chức năng nhiệm vụ cũng như điều kiện thực tế không giống nhau nên sự phát triển của chuyên ngành đột quỵ và can thiệp đột quỵ cũng không đồng đều.
Điều đó dẫn đến việc tiếp cận điều trị, chất lượng và kết quả điều trị chưa được bảo đảm. Để hạn chế những điểm khuyết hổng trên, yêu cầu cấp thiết là tổ chức hệ thống liên kết chuyên ngành trong từng bệnh viện và giữa các bệnh viện, đây cũng là ý nghĩa tổ chức hội thảo khoa học.
Tại hội thảo đã có 7 bài báo cáo đã được trình bày, trong đó nổi bật với 3 bài báo cáo: “Những khó khăn trong chẩn đoán nhồi máu não cấp” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Đức Thuần, Bệnh viện Quân y 103; “Cập nhật phương pháp tái thông mạch não bằng dụng cụ cơ học trong can thiệp nhồi máu não cấp” của Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Tuyển, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và “Cập nhật điều trị bệnh lý chảy máu dưới nhện” của Tiến sĩ, bác sĩ Lê Chi Viện, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Đức Thuần, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân Y 103, chia sẻ chuyên môn.
Trong bài báo cáo “Những khó khăn trong chẩn đoán nhồi máu não cấp”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Đức Thuần, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân Y 103, đã nêu ra các yếu tố nguy cơ chẩn đoán sai đột quỵ. Bác sĩ cũng chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn khi có các triệu chứng không điển hình, đề nghị xem giả đột quỵ và ngược lại cũng cần chú ý đột quỵ các vùng chức năng khó chẩn đoán.
Liên quan đến phương pháp tái thông mạch máu não trong điều trị đột quỵ não, Thượng tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Tuyển, Chủ nhiệm Khoa Can thiệp Thần kinh, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, hiện nay, các kỹ thuật lấy huyết khối động mạch não rất đa dạng như: hút huyết khối trực tiếp bằng ống hút lòng rộng (ADAPT), lấy huyết khối bằng stent, nong bóng và đặt stent.
Một số kỹ thuật mới cũng đã được triển khai như lấy huyết khối bằng kỹ thuật Solumbra, SAVE, ARST, BADDASS… Các kỹ thuật tái thông mạch máu não bằng dụng cụ cơ học ngày càng phát triển với các kỹ thuật mới và dụng cụ mới chính, vì vậy, cần cá thể hóa từng bệnh nhân để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Thượng tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Tuyển, Chủ nhiệm Khoa Can thiệp Thần kinh, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ chuyên môn.
Cập nhật chẩn đoán, điều trị và dự phòng biến chứng co thắt mạch não, thiếu máu não muộn sau xuất huyết dưới nhện do vỡ phình mạch não, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Chi Viện, Phó Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã chia sẻ rằng, sự hiểu biết toàn diện về cơ chế bệnh sinh của co thắt mạch và DCI và sự thống nhất định nghĩa, tiêu chuẩn chẩn đoán cho biến chứng này là tiền đề quan trọng.
Theo dõi đa mô thức là mô hình nên áp dụng ở những bệnh nhân xuất huyết dưới nhện phình động mạch (aSAH) nặng. Khám lâm sàng thần kinh vẫn là công cụ chính trong theo dõi và xác định co thắt mạch có triệu chứng/DCI.
Do đó, Tiến sĩ Viện khuyến cáo, việc dự phòng phải đặt lên hàng đầu, dựa trên chiến lược tối ưu hóa điều trị, từ đó giảm các yếu tố nguy cơ kích hoạt quá trình co thắt mạch não và các chế khác dẫn đến DCI.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Chi Viện, Phó Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ não, Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chia sẻ tại hội thảo.
Cũng tại hội thảo, bên cạnh giải đáp những câu hỏi của các bác sĩ đến từ các Bệnh viện Quân y, Thiếu tướng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Trường, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng đã chia sẻ những kiến thức rất quý giá về “Các tiêu chí của MSCT não và mạch máu não trên bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp”.
Thông qua hội thảo khoa học, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa được cập nhật những tiến bộ trong điều trị liên quan đến mạch máu não và đột quỵ. Qua đó, góp phần củng cố các kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, giúp các bác sĩ có biện pháp xử trí nhanh, hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ tử vong cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh đột quỵ.
HẢI NGÔ - AN NGỌC