Để thực hiện hiệu quả định hướng này, cần xây dựng đội ngũ công chức cấp xã vững về chuyên môn, chuẩn về đạo đức, trách nhiệm trong phục vụ nhân dân. Đây là nền tảng nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước từ cơ sở, thúc đẩy cải cách hành chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn mới
Công chức cấp xã là lực lượng trực tiếp gắn bó với nhân dân, giữ vai trò triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại cơ sở. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy chất lượng đội ngũ này còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, điều hành và lòng tin của nhân dân. Tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên môn, một người kiêm nhiệm nhiều vị trí vẫn diễn ra phổ biến, nhất là ở các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhiều người chưa bắt kịp yêu cầu chuyển đổi số, cải cách hành chính, gây khó khăn trong thực hiện dịch vụ công. Cùng với đó, một bộ phận công chức cấp xã còn hạn chế về kỹ năng, thiếu trách nhiệm, né tránh công việc.
Thực hiện thủ tục hành chính cho người dân tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Xích Thổ, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình). Ảnh: MẠNH HƯNG
Theo một khảo sát năm 2023, có tới 15% người dân phản ánh phải đi lại nhiều lần để giải quyết thủ tục hành chính; chỉ hơn 52% đánh giá công chức “nhiệt tình, gần dân”. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế tuyển dụng thiếu linh hoạt, tiêu chí đánh giá chưa sát thực tế, chế độ đãi ngộ còn thấp. Lương bình quân của công chức cấp xã chỉ khoảng 4,8 triệu đồng/tháng, trong khi khối lượng công việc ngày càng tăng.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển và xây dựng chính quyền phục vụ, cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương. Trọng tâm là đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, cải thiện điều kiện làm việc, gắn đánh giá hiệu quả công chức với sự hài lòng của người dân, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã - lực lượng “gần dân, sát dân” của bộ máy hành chính Nhà nước.
Chuyển từ tư duy hành chính bao cấp sang tư duy phục vụ
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đội ngũ công chức cấp xã cần không ngừng đổi mới, đáp ứng yêu cầu cả về trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và đạo đức công vụ.
Trước hết, cần thực hiện nghiêm phương châm “gần dân, sát dân, phục vụ dân”. Công chức cấp xã phải từ bỏ tư duy hành chính bao cấp, chuyển sang tư duy phục vụ, gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả công việc. Mọi hành vi gây phiền hà, né tránh trách nhiệm cần được chấn chỉnh kịp thời.
Bên cạnh đó, việc giải quyết thủ tục hành chính ở cơ sở phải đảm bảo nhanh chóng, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ thông tin cần được đẩy mạnh; dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phải triển khai đồng bộ, gắn với đào tạo công chức sử dụng thành thạo phần mềm hành chính. Cùng với chuyên môn, đạo đức công vụ phải được chú trọng, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như đất đai, xây dựng, hộ tịch. Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ, bổ nhiệm công khai, minh bạch là cơ sở để xây dựng đội ngũ liêm chính, tận tụy.
Công chức cấp xã còn là lực lượng tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Tỷ lệ cán bộ sử dụng thành thạo công nghệ còn thấp, đòi hỏi phải có chính sách đào tạo thường xuyên, phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm. Cuối cùng, tinh thần minh bạch và trách nhiệm giải trình phải được nâng cao. Việc tiếp công dân, đối thoại và công khai quy trình thủ tục cần được thực hiện nghiêm túc, tạo niềm tin trong nhân dân.
Đội ngũ công chức cấp xã không chỉ là người thực thi mà còn là bộ mặt chính quyền ở cơ sở. Trước yêu cầu mới, họ cần không ngừng rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, xứng đáng là “cánh tay nối dài” của Đảng, chính quyền phục vụ nhân dân.
Giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình. Ảnh: MẠNH HƯNG
Triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ, lâu dài
Đội ngũ công chức cấp xã là lực lượng trực tiếp triển khai chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đến cơ sở. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy chất lượng đội ngũ này còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chuyển đổi số và cải cách hành chính. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ, lâu dài.
Trước hết là rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn tuyển dụng. Tiêu chuẩn tuyển dụng công chức cấp xã hiện còn chung chung, chưa phù hợp từng vị trí, vùng miền. Cần cụ thể hóa tiêu chí theo chức danh và đặc thù địa phương, ưu tiên người có chuyên môn phù hợp, kỹ năng mềm tốt, có tinh thần trách nhiệm cao.
Đào tạo, bồi dưỡng thực chất, sát yêu cầu. Công tác bồi dưỡng hiện còn hình thức, thiếu thực tiễn. Cần tập trung đào tạo chuyên sâu theo lĩnh vực, nâng cao kỹ năng giao tiếp, giải quyết tình huống, sử dụng công nghệ.
Đổi mới cơ chế đánh giá, gắn với sự hài lòng của nhân dân. Việc đánh giá công chức còn hình thức, thiếu thực chất. Cần áp dụng phương pháp đánh giá 360 độ, dựa trên kết quả đầu ra và sự hài lòng của người dân. Tăng cường công khai, minh bạch, siết chặt kỷ luật công vụ.
Nâng chế độ đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc. Công chức cấp xã, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, thu nhập thấp, điều kiện làm việc khó khăn. Cần có chính sách ưu đãi đặc thù, hỗ trợ nhà ở, phương tiện, đào tạo nâng cao. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ, giảm công việc kiêm nhiệm là điều kiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tăng cường giám sát, lấy dân làm trung tâm. Cần phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội và người dân. Cần hoàn thiện cơ chế phản ánh, xử lý vi phạm, minh bạch quy trình công vụ, nâng cao trách nhiệm giải trình và xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực.
Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã là nhiệm vụ trọng yếu trong xây dựng chính quyền phục vụ, hiện đại, liêm chính. Muốn vậy, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu cao nhất là sự hài lòng của nhân dân - thước đo cho hiệu quả hành chính nhà nước.
PGS, TS NGÔ TRÍ LONG, Chuyên gia Kinh tế