Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giảng dạy môn GDQP-AN cho học sinh trên địa bàn huyện Thoại Sơn, Hội đồng GDQP-AN huyện đã và đang tích cực đổi mới phương pháp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, kết hợp lý thuyết với thực hành, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tạo sự hứng thú cho người học. Có thể nói, GDQP-AN trong trường phổ thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo cho thế hệ trẻ có điều kiện tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực, có đạo đức trong sáng, ý chí kiên cường. Ghi nhận tại Trường THPT Nguyễn Văn Thoại (huyện Thoại Sơn), Ban Giám hiệu trường luôn chú trọng đổi mới phương pháp giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Cô Nguyễn Thị Hồng Nhung (giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Thoại) chia sẻ: “Môn GDQP-AN là môn học đặc thù, kết hợp lý thuyết, thực hành và rèn luyện tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức kỷ luật cho học sinh, đồng thời huấn luyện những kỹ năng quân sự cần thiết. Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn chú trọng đổi mới phương pháp, tạo điều kiện để học sinh phát huy tính tích cực, chủ động và tạo sự hứng thú, đam mê với môn học. Những năm gần đây, kết quả GDQP-AN tại trường ngày càng được nâng cao, với tỷ lệ học sinh đạt loại tốt, khá trên 90%, số còn lại đạt yêu cầu. Đặc biệt, sự hứng thú và đam mê của các em đối với môn học ngày càng tăng. Mỗi năm, trường đều có học sinh thi đậu vào các học viện quân đội và các trường đại học công an. Đây là một ưu thế của môn học, giúp định hướng nghề nghiệp cho các em”.
Bồi đắp tình yêu quê hương cho học sinh qua môn giáo dục quốc phòng - an ninh
Không chỉ chú trọng lý thuyết và thực hành phù hợp tình hình thực tế địa phương, các tiết học thực hành được giáo viên hướng dẫn tỉ mỉ về cách tháo lắp súng, các động tác đội ngũ và kỹ năng băng bó cứu thương. Qua đó, học sinh nắm vững kiến thức, đồng thời được giáo dục về tính kỷ luật, tác phong quân sự, đẩy mạnh phong trào thi đua học tập, rèn luyện, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước. Em Phan Trọng Nghĩa (học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Thoại) cho biết: “Qua môn GDQP-AN, em nhận thức được các vấn đề về QP-AN như bảo vệ chủ quyền lãnh hải, biển đảo, truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng của lực lượng vũ trang và luật nghĩa vụ quân sự. Điều này giúp em hiểu rõ hơn về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác với các thế lực thù địch và sẵn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an để bảo vệ Tổ quốc.” Tương tự, em Nguyễn Hiếu Nghĩa (học sinh Trường THPT Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) chia sẻ: “Em cảm thấy môn học này rất cần thiết, giúp em có thêm hiểu biết cơ bản về QP-AN. Môn học còn góp phần giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, bồi dưỡng niềm tự hào dân tộc”.
GDQP-AN là bộ phận của nền giáo dục quốc dân, một nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Môn học GDQP-AN giúp cho học sinh có những hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Quan trọng hơn, giúp học sinh có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự và kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. “Con tôi cũng rất yêu thích môn học này, vì giúp con rèn luyện tính kỷ luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường” - chị Nguyễn Thị Oanh (ngụ huyện Thoại Sơn) bày tỏ suy nghĩ.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác GDQP-AN trong trường học, nhất là cho học sinh phổ thông, cần sự quan tâm của nhà trường, sự phối hợp của gia đình và địa phương, cũng như sự chủ động của mỗi học sinh. Điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng GDQP-AN, giáo dục chính trị, tư tưởng sâu sắc, hình thành ý thức quốc phòng đúng đắn, bồi đắp lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
PHƯƠNG LAN