Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hợp tác xã
2 giờ trướcBài gốc
Trên địa bàn thị xã Trảng Bàng có 23 hợp tác xã (HTX) và 6 tổ hợp tác. Trong tổng số 23 HTX, có 15 HTX hoạt động khá - chiếm khoảng 65,22%; 7 HTX hoạt động trung bình - chiếm 30,43% và 1 HTX mới thành lập - chiếm 4,41%. Thời gian qua, hoạt động của các HTX trên địa bàn đã có sự chuyển biến tích cực, tạo công ăn việc làm cho lao động và thu nhập ổn định cho hộ thành viên.
HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản Tràm Cát (xã Phước Chỉ) được thành lập vào tháng 8.2020, đến nay, HTX có trên 50 thành viên, tổng diện tích nuôi cá lóc khoảng 5,3 ha. Cá lóc thường được nuôi 2 vụ/năm, mỗi vụ khoảng 6 tháng và nuôi luân phiên để luôn có sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Anh Nguyễn Trường Giang- Giám đốc HTX cho biết, với mong muốn ổn định đầu ra sản phẩm cho thành viên, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch, từ năm 2021, HTX phát triển thêm sản phẩm khô cá lóc một nắng và được thị trường đón nhận với những tín hiệu tích cực.
Để đa dạng sản phẩm, hiện nay, HTX phát triển thêm sản phẩm cá lóc tươi muối sả, thành phẩm đến tay người tiêu dùng được hút chân không và đóng gói kỹ lưỡng. Sản phẩm này cũng nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường với sản lượng tiêu thụ khoảng 300 kg/tháng.
“Sắp tới, HTX có định hướng thí điểm nuôi tôm càng xanh, nuôi cá chốt trong bể bạt. Việc nuôi trong bể bạt nhằm quản lý nguồn nước tốt hơn. Qua việc thực hiện thí điểm, HTX sẽ đánh giá hiệu quả và có định hướng trong việc tiếp tục phát triển các mô hình này. Hiện nay, khâu chế biến sản phẩm tại HTX chủ yếu bằng thủ công.
Do đó, để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm sau thu hoạch như khô cá lóc một nắng và cá lóc tươi muối sả, HTX rất mong muốn được ngành chức tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị như máy sấy năng lượng mặt trời; hệ thống dây chuyền các khâu chế biến, đóng gói, đông lạnh. Qua đó, tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí, nhân công, nâng cao giá trị sản phẩm”.
HTX DVNN An Hòa thu hoạch lúa.
Theo UBND thị xã Trảng Bàng, các HTX trên địa bàn đã và đang chú trọng cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu chung của thành viên trong hợp tác, tương trợ lẫn nhau để thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vai trò hạt nhân trong kinh tế tập thể của HTX trên địa bàn đã được thể hiện rõ, góp phần tăng cường sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa người dân. Nhất là ở khu vực nông thôn, HTX đã hỗ trợ địa phương chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, vật nuôi, cây trồng, giúp người dân trong vùng yên tâm sản xuất.
HTX dịch vụ nông nghiệp An Hòa, phường An Hòa (thị xã Trảng Bàng) thành lập vào năm 2019 với 54 thành viên, diện tích sản xuất 103,5 ha. Ông Trần Văn Thậm- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chia sẻ: “Trước đây, việc vận động bà con tham gia vào HTX rất khó khăn, vì nông dân còn giữ tập quán canh tác truyền thống, đồng thời cũng chưa thật sự tin tưởng khi tham gia vào HTX.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm, HTX từng bước cho thấy được hiệu quả trong hoạt động, tạo được lòng tin cho thành viên, từ đó thu hút thêm nhiều nông dân tham gia. Hiện HTX có hơn 100 thành viên với diện tích sản xuất 216 ha”.
HTX dịch vụ nông nghiệp An Hòa sản xuất chủ yếu 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, gồm các giống chủ lực như OM18, Đài thơm 8, OM5451, OM380. Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư trang thiết bị để làm dịch vụ thu hoạch lúa, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu lúa cho nông dân với giá thu mua tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên.
“Các ngành chức năng đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông, Phòng Kinh tế Thị xã... đã hỗ trợ cho nông dân tham gia mô hình sản xuất với HTX như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống... Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của HTX. Với giá lúa năm 2023-2024 dao động từ 7.000 đồng - 8.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thành viên thu lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha/năm”- ông Thậm chia sẻ.
Hiện nay, HTX có định hướng đầu tư thêm máy móc, thiết bị để đẩy mạnh dịch vụ chăm sóc, thu hoạch lúa. Ông Thậm cho biết, vào những ngày đầu thành lập, HTX đầu tư 1 máy gặt đập liên hợp; 2 máy kéo lúa; 1 chiếc phà vận chuyển lúa.
Trước đây, máy gặt này chỉ đáp ứng được cho 2/3 diện tích sản xuất trong HTX, phần diện tích còn lại phải vận động máy bên ngoài vào làm phụ. Sắp tới, HTX sẽ mở rộng thêm một số dịch vụ, trong đó, đầu tư thêm 1 máy gặt đập liên hợp; 1 máy bay phun thuốc không người lái (drone); máy cày làm đất và máy sạ cụm.
Do đó, HTX mong muốn được các ngành chức năng, địa phương quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn đầu tư máy móc, trang thiết bị phát triển sản xuất, từ đó, có thêm nhiều loại hình dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX.
Chia sẻ thêm về định hướng hoạt động, ông Thậm cho biết: “Trước đây, HTX chỉ làm lúa thương phẩm, tuy nhiên, qua nghiên cứu thị trường, HTX thấy rằng, hiện nay, nhu cầu cung cấp lúa giống xác nhận cho bà con trên địa bàn tỉnh nói chung và HTX nói riêng là rất lớn.
Do đó, tới đây, HTX sẽ vận động nông dân tham gia sản xuất lúa giống xác nhận. HTX đã được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ về mặt kỹ thuật và đang thực hiện trên 10 ha để thí điểm. Sau khi làm thuần thục sẽ bắt tay vào sản xuất lúa giống để tăng thêm thu nhập cho thành viên”.
Nuôi cá lóc ở HTX DVNN nuôi trồng thủy sản Tràm Cát, xã Phước Chỉ (thị xã Trảng Bàng).
Theo UBND thị xã Trảng Bàng, các HTX nông nghiệp trên địa bàn có vai trò chủ đạo trong cung ứng vật tư nông nghiệp, bao tiêu và tiếp thị sản phẩm, hỗ trợ nông dân sản xuất, tăng thu nhập trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt. Đồng thời, HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Các HTX chuyên ngành, lĩnh vực mới được thành lập là mắt xích quan trọng gắn kết người nông dân với thị trường và doanh nghiệp, giữa sản xuất với chế biến, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực tại địa phương.
Trong thời gian tới, địa phương sẽ phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX, nhằm củng cố các HTX để các HTX hoạt động đi vào chiều sâu gắn liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ như: tư vấn lập phương án sản xuất kinh doanh; đào tạo nhân sự, cán bộ quản lý HTX nông nghiệp; đào tạo quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các HTX.
Để phát triển được nhiều HTX theo mô hình kiểu mới, UBND thị xã Trảng Bàng yêu cầu các xã, ngành không chạy theo số lượng mà phải bám sát vào chất lượng, hiệu quả thật sự của mô hình này. Các ngành, các cấp phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng thành viên về tính bền vững của mô hình HTX kiểu mới.
Thị xã Trảng Bàng cũng tăng cường và củng cố chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và HTX trên địa bàn; đa dạng hóa các loại hình tổ hợp tác, HTX để thu hút đông đảo người dân tham gia; từng bước hình thành các HTX mạnh làm nòng cốt cho các hoạt động liên kết, hợp tác kinh tế với các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước.
Ngoài ra, thúc đẩy quá trình liên doanh, liên kết giữa HTX với nhau và với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tể để mở rộng phạm vi hoạt động, tăng sức cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trúc Ly
Nguồn Tây Ninh : https://baotayninh.vn/nang-cao-chat-luong-hieu-qua-hoat-dong-hop-tac-xa-a179048.html