BHG - Xác định rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển KT – XH của tỉnh. Với các giải pháp cụ thể, đồng bộ và sáng tạo, năm 2024 tỉnh không chỉ vượt các mục tiêu đề ra mà còn tạo tiền đề vững chắc thúc đẩy sự phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.
Với chiến lược rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, năm 2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 30.500 lao động, vượt 167% kế hoạch. Trong đó, hơn 11 nghìn lao động làm việc tại địa phương, 19 nghìn người làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Những thị trường lao động quốc tế như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Rumani và các nước khác đã tiếp nhận nhiều lao động chất lượng cao từ tỉnh, mang về nguồn thu nhập ổn định và kinh nghiệm quý giá. Trong năm 2024, Sở Lao động – TB&XH phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức thành công 9 Hội chợ việc làm tại các huyện như: Xín Mần, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Vị Xuyên… Hơn 7.600 lao động được giới thiệu làm việc tại Trung Quốc thông qua các Thỏa thuận hợp tác. Song song với đó, có gần 1 nghìn lao động địa phương tìm được việc làm tại các tỉnh lớn như: Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai… thông qua hệ thống kết nối cung cầu lao động.
Lớp dạy nghề nấu ăn cho người dân xã Sủng Là (Đồng Văn).
Công tác đào tạo nghề được tỉnh đặc biệt chú trọng để đảm bảo người lao động không chỉ có kiến thức mà còn sở hữu kỹ năng phù hợp với yêu cầu của công ty, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng. Năm 2024, tỉnh thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề cho 13.800 người, vượt 6% so với kế hoạch. Các ngành nghề được đào tạo phong phú, từ trình độ sơ cấp ngắn hạn đến trung cấp và cao đẳng, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh lần thứ hai, chọn ra 4 nhà giáo tiêu biểu tham gia Hội giảng toàn quốc. Hoạt động này không chỉ tạo cơ hội để các giáo viên nâng cao kỹ năng giảng dạy mà còn tạo động lực cho sự đổi mới trong phương pháp đào tạo.
Đáng chú ý, Sở Lao động – TB&XH chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của hơn 3.800 gia đình và 50 doanh nghiệp, từ đó xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tế. Đội ngũ giáo viên tại các Trung tâm đào tạo nghề được bổ sung cả về chất lượng và số lượng, đảm bảo đáp ứng tốt hơn cho sự phát triển giáo dục nghề nghiệp tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động và an sinh xã hội đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm qua. Tỉnh đã cấp 23 giấy phép cho lao động nước ngoài làm việc tại địa phương, đồng thời thu hồi 36 giấy phép lao động không còn hiệu lực. Ban hành các quyết định trợ cấp thất nghiệp cho 2.734 người, tổ chức tư vấn và hỗ trợ học nghề để người lao động sớm quay lại thị trường lao động. Lĩnh vực Bảo hiểm xã hội (BHXH) đạt nhiều kết quả ấn tượng với 55.841 người tham gia BHXH, trong đó 44.662 người tham gia BHXH bắt buộc và 12.700 người tham gia BHXH tự nguyện. Những con số trên thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của tỉnh trong việc bảo vệ quyền lợi và an sinh của người lao động.
Một điểm nhấn khác là việc thúc đẩy mạnh mẽ các chương trình hợp tác quốc tế. Tỉnh đã ký kết và thực hiện Thỏa thuận với Cục Tài nguyên nhân lực và An sinh xã hội châu Văn Sơn (Trung Quốc) để đưa lao động qua biên giới. Đồng thời, cấp phép hoạt động dịch vụ việc làm cho 2 doanh nghiệp và cấp giấy phép cho 3 đơn vị đưa lao động Hà Giang sang Trung Quốc làm việc theo Thỏa thuận. Điều này không chỉ mở rộng cơ hội việc làm cho người dân mà còn xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tỉnh giáp ranh.
Những kết quả đạt được trong năm 2024 là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Qua đó, giúp lao động địa phương có việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, làm giàu cho quê hương. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp toàn diện hơn nữa, từ đào tạo nghề, hỗ trợ người lao động, đến phát triển các chính sách thu hút lao động chất lượng cao.
Bài ảnh: Văn Long