Tuy nhiên, trong thực tế, hoạt động BTTP vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: luật sư tham gia làm chứng cho hợp đồng mua bán nhà đất bằng giấy tay; công chứng hợp đồng, giao dịch có mục đích hoặc nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội…
Để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước trong công tác BTTP, thời gian tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó trọng tâm là luật hóa, chuẩn hóa các khung thể chế; đẩy mạnh chuyển đổi số tăng tính minh bạch và chuyên nghiệp trong hoạt động BTTP.
Theo đó, cần rà soát, bổ sung, sửa đổi các luật chuyên ngành để ngăn ngừa các tiêu cực, hạn chế, tồn tại của hoạt động BTTP. Chẳng hạn như: đối với hoạt động luật sư cần cụ thể hơn các tiêu chuẩn đạo đức, cơ chế thanh tra độc lập và xử lý xung đột lợi ích. Đối với hoạt động công chứng phải luật hóa chế độ bồi thường khi sai sót. Riêng lĩnh vực đấu giá tài sản, cần siết điều kiện về năng lực, công khai quy trình đấu giá và chế tài nặng với hành vi thông đồng, dìm giá…
Ngoài ra, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động BTTP. Cần xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung về luật sư, công chứng viên, đấu giá viên; liên thông với hệ thống đăng ký đất đai, thông tin tài sản, tòa án…
Song song đó, cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động của các tổ chức hành nghề BTTP để kịp thời chấn chỉnh vi phạm; tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong đội ngũ hoạt động trong các tổ chức hành nghề BTTP. Có như vậy mới nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực BTTP; từng bước nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp trong hoạt động BTTP trong thời gian tới.
Thư Ngọc