Cần sớm hoàn thành mục tiêu Chính phủ đề ra
Theo bà Nguyễn Thị Việt Hà - Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE), 2024 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng khi Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam đến năm 2030 mà một mục tiêu quan trọng là “nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á, áp dụng thông lệ tốt về tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị công ty, hướng tới phát triển bền vững.
Minh bạch trong quản trị giúp doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư hiệu quả hơn.
Đại diện HOSE cho biết, trong năm 2024, cơ quan quản lý và HOSE tập trung nâng cao chất lượng doanh nghiệp niêm yết, tăng cường giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động công bố thông tin. Kết quả cho thấy, công bố thông tin định kỳ được doanh nghiệp tuân thủ. Kết quả khả quan là tình hình vi phạm công bố thông tin trên HOSE đã giảm dần, với 91 công ty vi phạm (đến ngày 31/10/2024) so với con số 114 của cả năm ngoái.
Quản trị doanh nghiệp tốt đòi hỏi sự minh bạch, trách nhiệm giải trình, và khả năng thích ứng với các yêu cầu của thị trường tài chính. Với các doanh nghiệp niêm yết, vai trò quản trị không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo hoạt động kinh doanh mà còn phải đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và tuân thủ quy định pháp luật.
Minh bạch trong quản trị giúp doanh nghiệp thu hút vốn đầu tư hiệu quả hơn. Nhà đầu tư luôn tìm kiếm các doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, bởi điều này đồng nghĩa với việc rủi ro được giảm thiểu và lợi nhuận ổn định hơn. Ngoài ra, một hệ thống quản trị tốt giúp doanh nghiệp kiểm soát chi phí, tận dụng tài nguyên hợp lý, và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp niêm yết không chỉ là yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong môi trường cạnh tranh mà còn góp phần xây dựng niềm tin bền vững từ thị trường. Đây không chỉ là trách nhiệm của ban lãnh đạo mà còn là sự phối hợp của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp và các bên liên quan. Với những chiến lược đúng đắn, doanh nghiệp niêm yết sẽ có cơ hội phát triển vượt bậc và khẳng định vị thế trên thị trường.
Quyền Chủ tịch HOSE tin tưởng, với sự ủng hộ của cơ quan quản lý, sự gắn kết, chung sức, đồng lòng của các thành viên thị trường, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục phát triển ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững và hiệu quả như mục tiêu Chính phủ đã đề ra.
Để doanh nghiệp đi xa hơn, mạnh hơn
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đặt trọng tâm sửa đổi là hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra. Đó là nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của WB và so với xếp hạng năm 2020).
Nếu thiếu một khung khổ quản trị tốt, mâu thuẫn và tranh chấp nội bộ làm suy yếu hoạt động của doanh nghiệp.
Cùng với Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán cũng được hoàn thiện nội dung về quản trị doanh nghiệp. Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung thêm quy định về quản trị công ty đại chúng và công ty niêm yết theo thông lệ quốc tế, với một số chuẩn mực quản trị cao hơn so với Luật Doanh nghiệp.
Đáng chú ý, theo Thông tư số 68/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính, doanh nghiệp niêm yết sẽ phải công bố thông tin bằng tiếng Anh theo từng lộ trình cụ thể với từng loại hình quy mô doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề này, vì đây là tiêu chí quan trọng để xem xét nâng hạng trên thị trường mới nổi.
Cùng với nỗ lực cải thiện khung khổ pháp lý thì thúc đẩy thực hành quản trị công ty tốt theo thông lệ quốc tế cũng đã được đẩy mạnh. Bộ nguyên tắc về quản trị công ty theo G20/OECD lần đầu được Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) xuất bản bằng tiếng Việt. Bộ nguyên tắc quản trị công ty Việt Nam theo thông lệ tốt nhất đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và IFC biên soạn và công bố tháng 8/2019.
“Có thể nói, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và đạt được bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản trị công ty, hướng tới tiệm cận chuẩn mực quản trị công ty theo thông lệ tốt”, ông Hiếu nhận định.
Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, thực trạng quản trị doanh nghiệp vần còn nhiều hạn chế. Chưa nhiều doanh nghiệp chú ý đúng mức, nhận thức về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của quản trị tốt đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh bền vững.
Gần đây, nhiều vụ việc tranh chấp nội bộ trong nhiều doanh nghiệp có nguyên nhân rất lớn từ quản trị doanh nghiệp yếu kém. Thiếu một khung khổ quản trị tốt trong doanh nghiệp đã làm tăng tranh chấp giữa các doanh nghiệp và làm suy yếu hoạt động của doanh nghiệp.
“Vẫn còn tình trạng phổ biến nhằm đối phó, tuân thủ các yêu cầu quy phạm nhiều hơn là tự nguyện cam kết nâng cao quản trị vì chính lợi ích của công ty, doanh nghiệp”, ông Hiếu cho biết.
Theo ông Hiếu, doanh nghiệp không chỉ thực hiện đúng và đủ quy định của luật, mà cần vượt lên trên sự tuân thủ, ở mức cao hơn luật và vì lợi ích bền vững của chính doanh nghiệp, vì an sinh của cộng đồng, các bên liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và đảm bảo khai thác hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong quá trình sản xuất - kinh doanh. Đây là điều các doanh nghiệp Việt Nam phải hướng tới để đi xa hơn, mạnh hơn.
Thái Tuấn