Nâng cao chất lượng xét xử án hình sự

Nâng cao chất lượng xét xử án hình sự
6 giờ trướcBài gốc
Cụm thi đua số VIII TAND khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên tổ chức sơ kết công tác thi đua 6 tháng đầu năm 2025 và Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025
Theo báo cáo tham luận của Tòa hình sự Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lâm Đồng tại Hội nghị sơ kết công tác thi đua, khen thưởng 6 tháng đầu năm 2025 và Hội nghị điển hình tiên tiến phong trào thi đua giai đoạn 2020 - 2025, diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua tại TP Đà Lạt của Cụm thi đua số VIII TAND khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên cho thấy công tác xét xử án hình sự của Tòa hình sự TAND tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cụ thể, hiện nay, Tòa hình sự tỉnh dù chỉ có 6 biên chế (3 thẩm phán, 3 thư ký), nhưng công chức trong đơn vị luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, có ý thức kỷ luật trong công tác giải quyết các vụ án. Tính từ ngày 1/10/2019 - 31/3/2025, Tòa hình sự tỉnh đã thụ lý 1.762 vụ án/3.276 bị cáo, trong đó đã giải quyết 1.623 vụ/2.922 bị cáo. Riêng trong năm 2024, án tồn của năm 2023 chuyển qua 22 vụ/49 bị cáo; thụ lý mới 337 vụ/689 bị cáo. Đã giải quyết, xét xử 343 vụ/674 bị cáo, chỉ còn tồn 16 vụ/64 bị cáo (đạt tỷ lệ 95,54%). Trong đó, đã xét xử 336 vụ/639 bị cáo; trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát 7 vụ/35 bị cáo. Các trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung đều thực hiện đúng với quy định.
So với cùng kỳ 2023, thụ lý 377 vụ/674 bị cáo; giải quyết, xét xử 335 vụ/625 bị cáo, số án thụ lý giảm 17 vụ, số án giải quyết giảm 12 vụ. Án hình sự trong năm 2024, chủ yếu tập trung các tội giết người 20 vụ, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản 32 vụ, mua bán trái phép chất ma túy 23 vụ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng số án đã thụ lý 207 vụ/405 bị cáo. Đã giải quyết, xét xử 151 vụ/285 bị cáo, đạt tỷ lệ gần 73%. Về chất lượng xét xử, trong 5 năm qua, hủy án do khách quan 4 vụ; sửa án 12 vụ. Không có án bị hủy, sửa do chủ quan; không có án quá hạn. Cùng thời gian, Tòa hình sự thụ lý và giải quyết 25 vụ áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND. Đồng thời, tổ chức 32 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp; xét xử lưu động 64 vụ; xét xử tòa trực tuyến 16 vụ, công khai bản án đạt 100%. Kết quả trong 5 năm liền, Tòa hình sự tỉnh đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, riêng trong năm 2023, được TAND Tối cao tặng Bằng khen tập thể lao động xuất sắc...
Để có được kết quả trên, theo đánh giá chung, việc xét xử, đưa ra phán quyết của Tòa án liên quan đến sinh mệnh chính trị của mỗi con người, do vậy trách nhiệm càng cao, người thẩm phán luôn trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đưa ra phán quyết có căn cứ, thấu tình đạt lý. Các thẩm phán luôn chủ động trong quá trình xét xử, nghiên cứu kỷ hồ sơ, xây dựng, chuẩn bị nội dung xét hỏi có hệ thống, khoa học, điều hành phiên tòa khách quan, công tâm, xem xét tất cả các khía cạnh vấn đề. Việc bào chữa, tranh tụng tại các phiên tòa hình sự được chú trọng thực hiện, tạo mọi điều kiện cho kiểm sát viên, luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng một cách bình đẳng; chú trọng thực hiện đầy đủ các thẩm quyền tố tụng theo quy định của pháp luật để đảm bảo giải quyết tốt các vụ án hình sự.
Nhưng trên hết, Tòa hình sự TAND tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng xét xử án hình sự. Nổi bật, là việc đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Theo đó, ngoài việc làm tốt công tác triển khai liên tục, thường xuyên các văn bản, giải đáp, nghị quyết của TAND tối cao thì các thẩm phán luôn nâng cao tinh thần tự nghiên cứu sâu, đề xuất xử lý những vướng mắc kịp thời khi giải quyết án, đề xuất áp dụng pháp luật thống nhất trong toàn tỉnh. Trong quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ án, gặp khó khăn vướng mắc thì họp đơn vị để đưa ra ý kiến trao đổi, nếu chưa có ý kiến thống nhất thì xin ý kiến của lãnh đạo, hoặc Ủy ban Thẩm phán để có hướng giải quyết kịp thời, đúng quy định pháp luật, qua đó tăng cường nâng cao chất lượng giải quyết án.
Đồng thời, nâng cao chất lượng bản án, quyết định của tòa án. Cụ thể, qua công tác xét xử, kiểm tra, Tòa hình sự đã phối hợp với Phòng Thanh tra kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án để ban hành văn bản rút kinh nghiệm trong việc viết bản án cả về nội dung lẫn hình thức. Trong quá trình kiểm tra, lưu ý đến việc xét xử cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền và xét xử dưới khung hình phạt. Các thẩm phán xét xử án hình sự còn thường xuyên nghiên cứu bản án phúc thẩm, giám đốc thẩm và án lệ, từ đó vận dụng cách viết nhận định của bản án cũng như đường lối giải quyết của các bản án.
Cùng với đó, Tòa hình sự tỉnh còn tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm cho từng thẩm phán, thông qua đó các thẩm phán sẽ học hỏi để nâng cao kỹ năng xử lý tình huống và điều hành phiên tòa, rút kinh nghiệm về việc tổ chức phiên tòa, nhất là kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa. Đổi mới công tác tổ chức, nâng cao chất lượng phiên tòa rút kinh nghiệm (bao gồm cả phiên tòa trực tuyến) theo hướng chuyên sâu, tập trung vào kỹ năng điều khiển tranh tụng của thẩm phán - chủ tọa phiên tòa để khắc phục thói quen; vừa đảm bảo về chỉ tiêu, tiêu chí theo đúng hướng dẫn của TAND tối cao. Đảm bảo rút kinh nghiệm nghiêm túc theo đúng quy định, coi mỗi phiên thòa rút kinh nghiệm là buổi học kết hợp giữa thực tiễn và lý luận nhằm từng bước nâng cao chất lượng tranh tụng, kỹ năng điều khiển phiên tòa của thẩm phán, chất lượng tham gia xét xử của hội thẩm Nhân dân, kỹ năng viết bản án của thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Xác định chất lượng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là tiêu chí thi đua quan trọng của từng thẩm phán.
Đặc biệt, luôn chú trọng hoạt động tranh tụng liên quan đến vụ án, để không bỏ lọt tội phạm cũng như làm oan người vô tội, đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của những người tham gia tố tụng. Và, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết án, sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Và đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giải quyết, xét xử, nhất là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt là các vụ án thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
THỤY TRANG
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/phap-luat/202504/nang-cao-chat-luong-xet-xu-an-hinh-su-c6828bb/