Nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Nâng cao công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới
4 giờ trướcBài gốc
Tiêu chí môi trường được quan tâm chỉ đạo thực hiện
Với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, địa phương, công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều thành quả. Nam Định là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong phong trào xây dựng NTM. Tính đến hết tháng 10.2024, sau khi sáp nhập toàn tỉnh có 156/161 xã, thị trấn (chiếm 96,9% tổng số xã, thị trấn) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 36/146 xã (chiếm 24,7% tổng số xã) đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Huyện Giao Thủy được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023. Năm 2024, dự kiến phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao đối với 3 huyện Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực.
Đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp tại xã Yên Lợi, huyện Ý Yên. Ảnh: PV
Bộ tiêu chí xây dựng NTM gồm rất nhiều tiêu chí, của nhiều lĩnh vực, trong đó tiêu chí về bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí khó thực hiện và duy trì. Tuy nhiên với sự vào cuộc của ngành Tài nguyên và Môi trường và cấp ủy, cơ quan và các tổ chức đoàn thể ở các địa phương thì tiêu chí môi trường tại tỉnh Nam Định được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng NTM đã góp phần làm đẹp cảnh quan nông thôn, đường làng ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Một số ao hồ được xử lý, cải tạo, đảm bảo chất lượng môi trường xung quanh. Nhận thức của người dân về thu gom, xử lý rác thải đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, không còn tình trạng vứt rác ra các khu vực công cộng, lòng sông. Rác thải đã được phân loại thành: rác thải sinh hoạt có khả năng tái sử dụng, tái chế; rác thải thực phẩm; rác thải sinh hoạt khác...
Đối với thức ăn thừa, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã vận động người dân tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi, rác thải hữu cơ được ủ bằng hố ủ rác di động làm phân để trồng cây. Công tác phân loại rác tại nguồn bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan như: giảm được khoảng 30% lượng rác thải đưa đi xử lý; tiết kiệm nguồn ngân sách dành cho việc xử lý rác thải; thay đổi thói quen phân loại rác của người dân; sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên.
Thành công này là kết quả từ những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc nâng cao tiêu chí môi trường - một thách thức lớn và cũng là điểm nhấn trong hành trình xây dựng NTM kiểu mẫu sáng - xanh - sạch - đẹp. Không chỉ mang lại môi trường, điều kiện sống tốt hơn cho người dân mà còn khai thác được các giá trị kinh tế từ các chức năng môi trường, cảnh quan nông nghiệp, nông thôn, từng bước phát triển thành ngành kinh tế du lịch sinh thái đem lại thu nhập cho người dân và bảo tồn văn hóa bản địa, xây dựng lối sống thân thiện, hài hòa, bền vững với thiên nhiên.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Nam Định đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và các toàn thể nhân dân trong việc quán triệt, triển khai, tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường. Từ đó, nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về bảo vệ môi trường từng bước được thay đổi theo hướng tích cực như giữ gìn vệ sinh môi trường, hạn chế xả rác thải, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải và sử dụng hợp lý tài nguyên nước. Cuộc vận động “Xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp” và phong trào “Nhà sạch, vườn xanh, đường, sông không rác” đã huy động các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng thực hiện.
Mô hình xử lý nước mặt (ao, hồ) bằng cây thủy sinh tại xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường. Ảnh: PV
Trong đó, hiệu quả lớn là mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn với các ưu thế như chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện. Các huyện có bố trí kinh phí hỗ trợ hộ dân triển khai; áp dụng một số phương pháp phân chia riêng 2 loại rác vô cơ, hữu cơ vào dụng cụ chứa rác khác nhau để thu gom, xử lý (trong đó rác hữu cơ được xử lý thành phân bón hoặc làm thức ăn cho vật nuôi...). Trong điều kiện kinh phí đầu tư cho xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại còn hạn chế, khối lượng rác thải phát sinh ngày càng tăng, mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện từ đầu năm 2020 nhằm giảm bớt khối lượng rác phải đưa vào cơ sở xử lý tập trung đã cho kết quả vượt xa kỳ vọng ban đầu.
Hiện nay, 100% xã, thị trấn trên toàn tỉnh đã thực hiện mô hình phân loại rác tại nguồn. Thực tế cho thấy công tác phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình giúp giảm thiểu được 30-50% tổng lượng rác đưa về khu xử lý rác thải tập trung, giảm áp lực cho các bãi chôn lấp, nâng cao hiệu quả tại các lò đốt rác thải sinh hoạt; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn đạt 68,1%; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại các xã đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 đạt trên 98%.
Không ít sáng kiến tiêu biểu, độc đáo ở các địa phương đã tiếp tục tạo điểm nhấn, trở thành các mô hình điểm về phân loại và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn như: mô hình biến rác thành tài nguyên tại các xã, thị trấn: Cồn, Hải Châu (Hải Hậu), Nam Cường (Nam Trực), Thọ Nghiệp (Xuân Trường) với việc người dân tận dụng rác hữu cơ tái chế làm phân bón, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch. Mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu của kinh tế tuần hoàn do Hợp tác xã Nam Cường (Ý Yên) dẫn đầu với việc thu gom, phân loại, tái chế chất thải rắn sinh hoạt thành phân compost phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại chỗ và bán cho người trồng hoa, cây cảnh tạo lợi nhuận kép. Mô hình tái sử dụng các vật liệu đã qua sử dụng/thải bỏ như lốp xe ô tô, chai nhựa, túi ni lông các màu để tô điểm, tạo cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm tại các xã Mỹ Lộc (TP. Nam Định), xã Cộng Hòa (Vụ Bản).
Thời gian tới, để vượt qua những thách thức trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, nhất là vấn nạn ô nhiễm môi trường ở các làng nghề của tỉnh, cần sự vào cuộc với các giải pháp quyết liệt hơn của các cấp chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt cần áp dụng những công nghệ xử lý hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, cải tạo, khai thác hiệu quả kinh tế từ cảnh quan nông thôn, làng nghề. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ môi trường và làm đẹp cảnh quan nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Thực hiện tốt công tác phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn. Cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã, thị trấn để đảm bảo thân thiện hơn với môi trường. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên vùng theo quy hoạch.
Tâm Anh
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/nang-cao-cong-tac-bao-ve-moi-truong-trong-xay-dung-nong-thon-moi-post400130.html