Nâng cao công tác hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân

Nâng cao công tác hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi cho nông dân
4 giờ trướcBài gốc
Những năm qua, ngành Nông nghiệp luôn năng động, đổi mới, sáng tạo, tích cực nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh ngày càng bền vững.
Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc ứng dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn các giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất. Ảnh: Chu Kiều
Việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị, hiệu quả kinh tế cao là điều quan trọng đối với nông dân hiện nay.
Nhận thức rõ điều đó, ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân lựa chọn, đưa vào sử dụng những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu được dịch bệnh vào sản xuất. Đẩy mạnh liên kết hợp tác trong cung ứng giống có chất lượng, sạch bệnh.
Ông Triệu Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Vĩnh Phúc cho biết: Hiện nay, Trung tâm có 5 trại sản xuất giống với tổng diện tích trên 90ha. Từ năm 2020 đến nay, Trung tâm tiến hành khảo nghiệm, tạo giống thủy sản truyền thống các giống cá trôi, mè, trắm, chép với số lượng hơn 408 vạn con; thực hiện nuôi giữ giống gốc hơn 1.000 con cá bố mẹ; sản xuất hàng triệu con cá bột giống.
Lựa chọn đưa vào cơ cấu giống hằng năm của tỉnh 6 giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất như Hương Cốm 4, Lai Thơm 6, Hương Bình, Tân Ưu 98, QR15, TBR225. Bảo tồn, lưu giữ 308 giống cây ăn quả; cung cấp gần 6.000 con lợn giống bố mẹ và lợn giống thương phẩm cho các hộ chăn nuôi.
Thực hiện Nghị quyết số 20 của HĐND tỉnh, Trung tâm đã hỗ trợ mua 3.990 tấn lúa giống chất lượng phục vụ sản xuất với tổng diện tích 79.803 ha; hỗ trợ 167 hộ nuôi thủy sản, diện tích 185ha tại huyện Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Tam Dương với số lượng hơn 1,7 triệu con.
Riêng chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, Trung tâm đã trình diễn sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ diện tích 680 ha tại 6 huyện, năng suất trung bình đạt 58 - 60 tạ/ha; triển khai hỗ trợ 820 ha sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và các huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo với năng suất trung bình 600 - 650 kg/sào; 10 mô hình chăn nuôi lợn thịt với 1.900 con; 4 mô hình nuôi gà thịt, quy mô 7.000 con...
Trong năm 2024, Trung tâm sản xuất 38 nghìn cây giống ăn quả, đã cung ứng hơn 12 nghìn cây giống các loại như bưởi, hồng xiêm, ổi, đu đủ, táo... Ngoài ra, Trung tâm đang thử nghiệm một số cây ăn quả, hoa cây cảnh khác như chanh leo vàng, dưa lê, hoa hồng cổ Sa Pa... Các giống đưa vào thử nghiệm có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu của tỉnh.
Công tác phát triển giống vật nuôi được quan tâm, đơn vị đã thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng đàn lợn đực thuộc các giống Landrace, Yorkshire, Pidu, Duroc. Số lợn giống ông bà (giống gốc) được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng quy trình kỹ thuật, an toàn dịch bệnh. Trong năm, đã sản xuất được hơn 1.230 con lợn giống cấp bố mẹ và thương phẩm.
Trung tâm cũng tập trung bảo tồn nguồn gen thủy sản bản địa truyền thống, bản địa quý hiếm, nuôi giữ giống gốc đàn cá bố mẹ như mè trắng, mè hoa, trôi Roohu, trôi Rigan, trắm cỏ. Thực hiện Quyết định 146 của UBND tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, Trung tâm đã triển khai 10 mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ trên tổng diện tích 200ha tại huyện Sông Lô, Vĩnh Tường, Yên Lạc và Lập Thạch.
Các giống lúa trồng tại các mô hình cho năng suất cao như QR15, Hương Bình được chăm sóc đúng quy trình, hoàn toàn sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. Vụ Xuân, năng suất lúa đạt 62 tạ/ha, vụ Mùa đạt 60 tạ/ha. Sản xuất lúa theo hướng này đã tạo ra sản phẩm tốt, an toàn, không lạm dụng các sản phẩm có nguồn gốc hóa học làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên đất và nước. Qua đó từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo hữu cơ, an toàn, chất lượng. Các sản phẩm này được người dân, doanh nghiệp thu mua với giá cao, góp phần nâng giá trị và tăng thu nhập cho nông dân.
Trung tâm cũng đã hỗ trợ sản xuất rau, quả theo hướng hữu cơ trên diện tích 420ha/2 vụ/năm (vụ Xuân và vụ Đông) tại 13 xã thuộc 5 huyện, thành phố Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo và Vĩnh Yên.
Với 420ha trồng rau, quả các loại, cung cấp 8 nghìn tấn sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe của nông dân. Cùng với đó, hạn chế được tình trạng sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, đặc biệt là thuốc diệt cỏ, hiệu quả kinh tế mang lại tăng từ 10 - 15% so với sản xuất truyền thống.
Xây dựng thành công 6 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, trong đó có 3 mô hình nuôi lợn thịt và 3 mô hình chăn nuôi gà thịt. Hiện, các mô hình đã nghiệm thu kết thúc lứa thứ 2, đàn vật nuôi đều sinh trưởng tốt và có giá trị kinh tế cao.
Hiệu quả của chính sách phát triển giống cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đây là tiền đề để tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ trong thời gian tiếp theo.
Trong đó tập trung nâng cao chất lượng về giống, khoa học công nghệ, liên kết 4 nhà nhằm phát triển chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu mạnh của nông sản sạch Vĩnh Phúc, góp phần đem lại thu nhập cao cho nông dân và phát triển nông nghiệp của tỉnh ngày càng bền vững.
Thành An
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/122603//nang-cao-cong-tac-ho-tro-giong-cay-trong-vat-nuoi-cho-nong-dan