Học sinh Trường THPT Lang Chánh ăn, ở sinh hoạt tại khu nhà trọ nằm trên khu phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh.
Tại khu vực thị trấn các huyện Lang Chánh, Quan Sơn, Mường Lát,... những dãy phòng trọ dành cho học sinh THPT nằm sát trục đường lớn hoặc nằm sâu trong các ngõ nhỏ. Bên trong mỗi gian phòng chật hẹp, chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ và một tủ đựng quần áo. Do nhà cách xa trường, giá thuê phòng thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế nên nhiều phụ huynh đã cho con ở trọ.
Khu phố Chiềng Trải, thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh) có khoảng gần 10 hộ kinh doanh nhà trọ, khách thuê phần lớn là học sinh Trường THPT Lang Chánh. Chủ một khu trọ tại đây cho biết, giá phòng trung bình dao động khoảng hơn 200.000 đồng/tháng, chưa bao gồm điện, nước. Thường, trước khi nhận học sinh đến trọ, người chủ sẽ thông báo các nội quy của nhà trọ cho phụ huynh và học sinh, đó là quy định về thời gian đóng cửa hằng ngày, cấm tụ tập đánh bạc, uống rượu bia, gây mất trật tự... Về phía nhà trọ, luôn tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm...
Trong căn phòng gần 20m2, Lê Đắc Minh ở trọ với 2 bạn học cùng Trường THPT Lang Chánh. Nhà Minh ở xã Trí Nang, cách trường hơn 13km. Do đường đi lại khó khăn nên để tiện cho việc học tập, em phải thuê trọ gần trường. Lê Đắc Minh cho biết: “Để tiết kiệm chi phí, nhiều bạn phải ở ghép với nhau dù có phần chật chội, bất tiện. Việc ăn uống hàng ngày, chúng em đều nhờ vào chủ nhà nên cũng đỡ vất vả”.
Khu KTX Trường THPT Lang Chánh đáp ứng nhu cầu ăn, ở, sinh hoạt của 200 học sinh. Tuy nhiên đến nay mới có hơn 100 em đang ở.
Khu KTX Trường THPT Lang Chánh có thể phục vụ tối đa cho 200 học sinh ăn ở, học tập. Tại đây, hiện có hơn 100 em. Theo thầy Hoàng Khắc Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết, học sinh ở trọ ngoài thường khó giám sát, quản lý, xung quanh khu vực trường học lại xuất hiện nhiều hàng quán, điểm vui chơi giải trí nên những lúc không phải đến trường các em thường sa vào các điểm vui chơi, giải trí. Để quản lý số học sinh này, nhà trường chủ động phân công cán bộ, giáo viên nắm danh sách, nơi ở trọ để động viên, nắm bắt tâm tư cũng như hỗ trợ các em trong sinh hoạt, học tập. Còn các em ở KTX, việc quản lý nền nếp đã được nhà trường thực hiện từ nhiều năm học qua. Thống kê cho thấy, hằng năm số lượng học sinh ở KTX qua các khóa điểm bình quân đậu đại học thường cao hơn các em trọ ngoài...
Khu KTX Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn) có thể đáp ứng được chỗ ở cho 160 học sinh, nhưng hiện chỉ có 40 em sinh hoạt, học tập tại đây. Đại diện lãnh đạo nhà trường cho biết, do đặc thù đường sá đi lại xa xôi, các em phải ở trọ tự lo liệu mọi việc, hơn nữa việc thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm của gia đình, đặc biệt những lúc ốm đau khiến nhiều em thuê trọ ngoài gặp khó khăn. Nhiều trường hợp theo bạn bè ăn chơi, bỏ học, đánh nhau... gây mất trật tự an ninh địa bàn. Không yên tâm, một số phụ huynh gửi gắm con em ở trọ nhà các thầy, cô để tiện sinh hoạt, học tập. Nhằm quản lý tốt nền nếp đối với học sinh ở trọ sau giờ lên lớp, nhà trường đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh kết nối và liên hệ với phụ huynh, kiểm tra, thiết lập đường dây nóng giữa chủ nhà trọ, ban quản lý trường, lực lượng chức năng trên địa bàn... nhằm kịp thời theo dõi, nắm tình hình của các em.
Thầy Phạm Bá Nhoan, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn hướng dẫn ôn tập cho học sinh trong khu KTX.
Còn ở Trường THPT Thường Xuân 2 (Thường Xuân), thầy La Thế Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Năm học 2024 - 2025, trường có 856 học sinh, trong đó có khoảng 93 học sinh phải trọ ngoài do điều kiện đi lại khó khăn. Nhà trường cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện đến các em. Đầu năm học, nhà trường có đề xuất, để các em ở trong khu KTX được hỗ trợ tiền điện, nước, còn phụ huynh đóng góp tiền ăn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên phụ huynh không đồng ý và chọn phương án thuê trọ cho con em ở nhà dân...”
Bài và ảnh: Trung Lê