Nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc

Nâng cao đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc
2 giờ trướcBài gốc
Xây dựng nhà văn hóa
Theo Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong, dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có 2.236 hộ, với 9.240 nhân khẩu, chiếm 6,25% dân số toàn huyện. Hiện có 10 dân tộc đang sinh sống trong huyện.
Dân tộc Chăm có 7.011 người, chiếm 75,88% dân số dân tộc thiểu số; dân tộc Raglai có 1.426 người, chiếm 15,43% dân số dân tộc thiểu số; dân tộc Hoa có 687 người, chiếm 7,44% dân số dân tộc thiểu số; dân tộc Nùng có 74 người, chiếm 0,8% dân số dân tộc thiểu số và các dân tộc khác.
Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện sinh sống tập trung chủ yếu tại bốn địa phương gồm: Phan Dũng, Phong Phú và Phú Lạc, Vĩnh Hảo. Trong đó có hai xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số là Phan Dũng (dân tộc Raglai) và Phú Lạc (dân tộc Chăm); các xã có thôn, xóm xen ghép là: Thôn 3-Phong Phú (dân tộc Raglai), thôn Tuy Tịnh 2-xã Phong Phú (dân tộc Chăm), thôn Vĩnh Sơn-Vĩnh Hảo (dân tộc Raglai).
Hằng năm, huyện quan tâm đầu tư văn hóa, thể thao, du lịch và các hoạt động lễ hội truyền thống của các dân tộc góp phần giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc, giá trị văn hóa của các dân tộc; các xã đều được phủ sóng truyền thanh, truyền hình; các xã vùng dân tộc thiểu số đều có nhà văn hóa, các thôn đều có nhà văn hóa; xây dựng nếp sống văn hóa và giảm dần các hủ tục lạc hậu; thực hiện kịp thời việc cấp phát báo, tạp chí miễn phí cho các đối tượng thụ hưởng ở vùng dân tộc thiểu số; từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, luôn củng cố các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở hoạt động hiệu quả.
Tết Ramưwan của đồng bào Chăm luôn được duy trì tổ chức.
Để tiếp tục nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và củng cố, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, huyện tiếp tục quan tâm đầu tư công tác quy hoạch và phát triển các thiết chế văn hóa cơ sở đưa vào dịch vụ internet.
Ngoài ra, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hỗ trợ các hoạt động của hai đội văn nghệ của hai thôn, đầu tư nâng cấp tủ sách và đầu sách pháp luật và đầu tư sửa chữa thiết chế nhà văn hóa thôn của ba thôn.
Các xã vùng dân tộc thiểu số đều được phủ sóng truyền hình truyền thanh Trung ương và địa phương, các xã đều có đài phát thanh phục vụ nhu cầu thông tin, tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa của người dân; thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa đã được công nhận cấp quốc gia và cấp tỉnh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm và kịp thời kiến nghị tỉnh trùng tu, sửa chữa chống xuống cấp các di tích.
Người dân tìm hiểu đồ vật của người Chăm.
Hằng năm, huyện duy trì phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm giữ gìn và phát huy. Các lễ hội Pôdam, Tết Katê, Tết Ramưwan của đồng bào Chăm luôn được duy trì tổ chức; quan tâm các hoạt động tham gia Tết Đầu lúa của đồng Raglai ở huyện Bắc Bình; phát huy việc duy trì các lớp dạy chữ Chăm, tiếng Chăm của đồng bào Chăm thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc.
Nhận thức hơn về văn hóa
Nhờ vậy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua tiếp tục triển khai thực hiện và đã đạt được một số kết quả đáng phấn khởi. Cụ thể, có 5/5 thôn xây dựng Quy ước thôn.
Năm 2019 tiếp tục duy trì 5/5 thôn đạt 100% được công nhận danh hiệu “Thôn văn hóa”, có 3.759/3.773 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, chiếm 99,62%, có 3.453/3.773 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, chiếm 91,51%; đến cuối năm 2023 có 3.887/3921 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, chiếm 99,13%, có 3.761/3921 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, chiếm 95,91%, tăng 4,4% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, bộ mặt các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến tích cực, không gian sinh hoạt khang trang và thuận lợi, đời sống kinh tế được nâng lên, phong trào văn hóa văn nghệ được phát triển mở rộng nâng cao về chất lượng; an ninh được giữ vững, giảm rõ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, từng bước nâng cao ý thức cộng đồng, tình làng, nghĩa xóm được đoàn kết, gắn bó hơn, người dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Người Chăm làm bình gốm bằng đất.
Phấn đấu đến cuối năm 2025 hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025.
Ông Nguyễn Trung Trực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuy Phong cho biết, huyện nâng cao chất lượng thụ hưởng các lĩnh vực như: y tế, giáo dục, nhà ở, vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông, văn hóa, xã hội, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, an ninh, quốc phòng trong đồng bào dân tộc thiểu số các xã trong huyện.
Người Chăm thi giã gạo trong dịp Tết Katê.
Song song đó, huyện tiếp tục duy trì các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ở các thôn, xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; bài trừ mê tín dị đoan, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống phát thanh, thông tin liên lạc cho các xã vùng dân tộc thiểu số; quản lý, sử dụng hiệu quả các nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ, hội; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.
THANH HẢI
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/nang-cao-doi-song-van-hoa-vung-dong-bao-dan-toc-post845038.html