Nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP

Nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP
2 giờ trướcBài gốc
Sản phẩm của Hợp tác xã miến Việt Cường, xã Đồng Hỷ, đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Để chương trình OCOP lan tỏa mạnh mẽ, tỉnh Thái Nguyên chú trọng đổi mới tổ chức sản xuất; khuyến khích, tạo điều kiện cho hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và cá nhân phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị được duy trì, mở rộng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho các sản phẩm đặc trưng như chè, miến, gạo, nấm hương, măng tươi, cao ngựa, trà dây thìa canh, mỳ gạo, thịt hươu sấy khô…
Đồng hành với các HTX, doanh nghiệp và nông dân, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên thường xuyên đưa sản phẩm OCOP tiêu biểu tham gia hội chợ, hội nghị để trưng bày, quảng bá đến người tiêu dùng. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế như: chè La Bằng (xã La Bằng), gà đồi hữu cơ (xã Tân Khánh), tương nếp (Phú Bình), gạo Khẩu Nua Nếch (xã Ngân Sơn), tôm chua (xã Ba Bể)...
Hầu hết các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được mô hình sản xuất OCOP đạt tiêu chuẩn như: VietGAP, Organic, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP... Với tinh thần tôn trọng người tiêu dùng, các HTX, doanh nghiệp và bà con nông dân luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, coi chất lượng sản phẩm là sự sống còn, từ đó xây dựng được thương hiệu mạnh và bền vững.
Nhận thức rõ vai trò của sản phẩm OCOP, trong 5 năm qua, chương trình đã trở thành phong trào rộng khắp. Các chủ thể sản xuất có chuyển biến tích cực trong tư duy, hướng tới tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân tăng cường liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, nhiều vùng chuyên canh được hình thành rõ nét; quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm ngày càng được chuẩn hóa.
Tư duy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không còn phù hợp. Các HTX, doanh nghiệp và nông dân dần chuyển sang sản xuất theo chuỗi khép kín, đảm bảo an toàn thực phẩm, đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng. Thành công từ sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định thương hiệu nông sản Thái Nguyên, mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa tới các thị trường lớn. Qua đó, giá trị sản phẩm tăng, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện.
Các hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên tại Hải Phòng.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 560 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, gồm 397 sản phẩm 3 sao, 115 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 5 sao. Nhiều sản phẩm tiêu biểu như miến của HTX Miến Việt Cường (xã Đồng Hỷ), miến dong của HTX Tài Hoan (xã Côn Minh), ba sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe của Công ty CP Công nghệ Dược liệu Bắc Hà (xã Nông Thượng) đều đạt OCOP 5 sao.
Nhờ nâng cao chất lượng, nhiều HTX, doanh nghiệp và hộ nông dân đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Các siêu thị, đại lý chủ động tìm đến đặt hàng; quy trình sản xuất được giám sát trực tiếp hoặc thông qua hình ảnh, video do cơ sở sản xuất đăng tải trên mạng xã hội.
Đây là cách tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng và giúp sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường khó tính trong và ngoài nước. Đặc biệt, khu vực bán hàng tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cũng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP của Thái Nguyên tới du khách quốc tế.
Không chỉ dừng ở sản xuất, sản phẩm OCOP còn tạo cú hích thay đổi tư duy làm kinh tế của người nông dân. Từ sản xuất manh mún, phi tiêu chuẩn, người dân dần quan tâm đến bao bì, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc và xu hướng tiêu dùng xanh, sạch. Những chuyển động tích cực này là động lực để nông sản Thái Nguyên từng bước vươn ra thị trường toàn cầu.
Song song với phát triển sản phẩm, các địa phương cũng chú trọng gắn OCOP với phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Một số làng nghề, vùng nguyên liệu đã được đầu tư cải tạo cảnh quan, xây dựng tour, tuyến trải nghiệm để tạo điểm nhấn cho du khách. Đây được xem là hướng đi hiệu quả, vừa quảng bá sản phẩm OCOP, vừa nâng cao giá trị văn hóa, sinh thái của vùng đất Thái Nguyên.
Để chương trình OCOP phát triển bền vững, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, đầu tư hệ thống bảo quản, tiêu chuẩn hóa mẫu mã và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Các cơ quan chức năng cũng tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho HTX, doanh nghiệp và người dân về quản trị, vận hành sản phẩm OCOP, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và xây dựng thương hiệu.
Phạm Ngọc Chuẩn
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/nang-cao-gia-tri-cac-san-pham-ocop-c1b22a3/