Lợi nhuận cao từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Công ty TNHH Hà Vân Phong, tổ 1, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa có ngành nghề chính là trồng và chế biến các sản phẩm về nấm hương. Khu sản xuất của công ty có diện tích nhà kín trên 5.000 m2, được xây dựng kiên cố bằng khung thép, mái lợp tôn lạnh đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng. Khu trồng nấm được lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để luôn đảm bảo độ ẩm cần thiết và nhiệt độ ở mức 24 - 250C cho cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt.
Công ty TNHH Hà Vân Phong xuất khẩu khoảng 100 tấn nấm hương khô mỗi năm.
Ông Nguyễn Minh Tuyến, Công ty TNHH Hà Vân Phong cho biết: Chúng tôi chú trọng đầu tư nhà xưởng, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng, chăm sóc và chế biến để nấm đảm bảo chất lượng, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường "khó tính" trên thế giới.
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm, Công ty TNHH Hà Vân Phong xuất khẩu khoảng 100 tấn nấm hương khô, doanh thu đạt gần 30 tỷ đồng. Đồng thời đảm bảo việc làm thường xuyên cho 20 công nhân, với thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng tùy từng vị trí.
20 công nhân có việc làm ổn định tại Công ty TNHH Hà Vân Phong.
Những năm qua, Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi, phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa đã tạo được chỗ đứng vững trên thị trường nhờ sản phẩm rau, quả được trồng và chăm sóc theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Ngay từ khi thành lập, Hợp tác xã đã định hướng phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp với phát triển du lịch.
Đến thời điểm này, Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi đã đầu tư gần 8 tỷ đồng, xây dựng 2,5 ha nhà lưới để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, như: dâu tây, dưa lưới, cà chua, dưa pepino, dưa chuột… Hợp tác xã cũng tạo việc làm ổn định cho hơn 10 công nhân, với thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.
Vườn dâu tây của Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi.
Tính đến nay, diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thị xã Sa Pa đạt 455 ha/450 ha (đạt 101,1% kế hoạch), trong đó chủ yếu là diện tích sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp nhỏ. Mặc dù các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa hình thành rõ nét nhưng bước đầu đã tập trung phát triển tại khu vực các phường: Ô Quý Hồ (rau, hoa), Hàm Rồng (rau, dược liệu), Sa Pả (hoa, dược liệu) và xã Tả Phìn (rau, hoa, dược liệu)…
Trên địa bàn thị xã Sa Pa có 2 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã và khoảng 300 hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, doanh thu bình quân trên đơn vị canh tác đạt 1,4 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân đạt 520 triệu đồng/ha/năm.
Một số mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao điển hình, như: sản xuất cà chua, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 650 triệu đồng/ha/năm; sản xuất hoa ly cắt cành, doanh thu đạt 2,7 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng/ha; sản xuất rau bắp cải, doanh thu đạt 600 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 280 triệu đồng/ha/2 vụ/năm.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã có giấy chứng nhận sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, điển hình như: Công ty TNHH MTV Lợi Sơn Điền, Công ty TNHH Hà Lâm Phong, Hợp tác xã Nông nghiệp xanh, Hợp tác xã Nông nghiệp Mai Anh, Hợp tác xã rau quả Thắng Lợi…
Vẫn còn những khó khăn
Quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng gặp một số khó khăn.
Theo định hướng phát triển, thị xã Sa Pa được quy hoạch 2 khu nông nghiệp công nghệ cao để tăng hiệu quả và giá trị kinh tế; lồng ghép phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với việc phát triển du lịch sinh thái.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sa Pa, hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng gặp một số khó khăn, như: địa hình đồi núi, độ dốc lớn gây khó khăn cho việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giao thông khó khăn làm tăng chi phí đầu tư; diện tích đất sản xuất cây nông nghiệp của thị xã Sa Pa ít (khoảng 7.000 ha), chỉ xấp xỉ 9% diện tích đất tự nhiên; việc tập trung đất đai có quy mô đủ lớn để sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao còn gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, không ít người dân chưa mặn mà với sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, việc xây dựng quy hoạch chi tiết khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân; chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn một số điểm chưa phù hợp với những đơn vị có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn như Sa Pa; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn...
Lồng ghép phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với du lịch sinh thái góp phần tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Sa Pa.
Nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển tất yếu của ngành nông nghiệp hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại thị xã Sa Pa bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, không chỉ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, đảm nguồn lương thực, thực phẩm chất lượng cao và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Nguyễn Tất Đạt
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/nang-cao-gia-tri-kinh-te-tu-san-xuat-nong-nghiep-cong-nghe-cao-post394318.html