Nâng cao giá trị nông sản nhờ công nghệ sấy

Nâng cao giá trị nông sản nhờ công nghệ sấy
21 giờ trướcBài gốc
Ứng dụng công nghệ sấy bơm nhiệt cho sản phẩm ném khô của HTX Thuần Việt, huyện Hải Lăng - Ảnh: T.C.L
Việc nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao từ các nguồn nguyên liệu tại địa phương được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị quan tâm thực hiện gắn với nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ sấy tiên tiến như sấy thăng hoa, sấy bơm nhiệt trong thời gian qua mang lại nhiều kết quả tích cực. Sở đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh thực hiện nhiệm vụ này.
Sau khi tiến hành nghiên cứu, triển khai thí điểm thành công, trung tâm đã tư vấn, chuyển giao, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh có nhu cầu về các công nghệ sấy, góp phần thực hiện tốt việc bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Mô hình nuôi dưỡng đông trùng hạ thảo được Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh tiến hành nuôi dưỡng thí điểm từ nhiều năm nay. Trung tâm đã thực hiện thành công quy trình nuôi dưỡng đông trùng hạ thảo bằng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi cấy.
Đông trùng hạ thảo được nuôi, trồng nhiều ở quy mô công nghiệp cho năng suất cao, chất lượng tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao. Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý giàu chất dinh dưỡng và mang lại những giá trị cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch ở dạng tươi, đông trùng hạ thảo rất khó bảo quản và phân phối ra thị trường. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trung tâm tiếp tục nghiên cứu và xây dựng công trình sấy đông trùng hạ thảo để sản phẩm được bảo quản tốt nhất.
Với mô hình nuôi cấy, sấy thành công, cho sản phẩm chất lượng cao, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã hướng dẫn nhân rộng công nghệ sấy thăng hoa đông trùng hạ thảo cho Công ty TNHH Phát triển công nghệ QT - TECH, tại thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong. Với sự chuyển giao, hướng dẫn của trung tâm, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa với hệ thống sấy công suất từ 4 - 6 kg tươi/mẻ thu được sản phẩm đông trùng hạ thảo có độ ẩm dưới 7%.
Ông Trần Trung Chánh, Công ty TNHH Phát triển công nghệ QT - TECH cho biết: Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh đã chuyển giao và hướng dẫn quy trình nuôi trồng và công nghệ sấy thăng hoa sản phẩm đông trùng hạ thảo cẩn thận và tỉ mỉ nên doanh nghiệp tiếp thu tốt, ứng dụng vào sản xuất cho hiệu quả khá. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ tốt, nhiều khách hàng tìm mua”.
Ném là loại cây gia vị đặc trưng của tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, đây là cây theo mùa nên vào mùa thu hoạch ném tươi có sản lượng lớn, nếu tiêu thụ nội địa thì không tiêu thu hết mà vận chuyển ném tươi thì vừa tốn chi phí, vừa có chất lượng ném không tốt, cây dễ héo, bầm dập, ảnh hưởng lớn đất chất lượng. Ngay cả củ ném có thời gian giữ tươi lâu hơn lá ném nhưng bảo quản ở nhiệt độ thường làm giảm khối lượng, chất lượng ném củ, thời gian bảo quản ngắn...
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sản xuất, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã chuyển giao quy trình và hướng dẫn nhân rộng công nghệ sấy bơm nhiệt để sản xuất chế biến sâu sản phẩm ném lá, ném củ thành ném sấy khô. Giải quyết được bài toán bảo quản sản phẩm ném bằng phương pháp sấy, nông sản đặc trưng là cây ném Quảng Trị được phát triển thành nhiều sản phẩm đa dạng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Được tư vấn hỗ trợ và hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ nông sản Thuần Việt, huyện Hải Lăng đã ứng dụng hệ thống sấy bơm nhiệt vào sản xuất ném khô, công suất sấy từ 200 - 300 kg ném tươi/mẻ với nhiệt độ sấy trong khoảng 30 - 40oC.
Thời gian sấy từ 15 - 16 tiếng cho sản phẩm có độ ẩm dưới 12%. Ném lá khô thu được 16,5 - 25 kg/mẻ thành phẩm; ném củ khô thu được 25 - 37,5 kg/mẻ thành phẩm. Bà Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ nông sản Thuần Việt cho hay: Tiếp nhận công nghệ sấy của Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo, HTX đã sản xuất thành công các sản phẩm từ cây ném ở địa phương.
Sản phẩm ném cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm đóng gói ở các tỉnh, thành phố với số lượng khá nhiều, mang lại lợi nhuận tốt, thị trường tiêu thụ ném tươi nhờ đó không bấp bênh, nông dân trồng ném thu nhập ổn định hơn.
Nói về việc chuyển giao công nghệ sấy thăng hoa, sấy lạnh, ông Nguyễn Chính Trực, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo tỉnh phân tích: Dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn để trung tâm chuyển giao và nhân rộng công nghệ sấy cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Mỗi công nghệ sấy có những ưu điểm vượt trội riêng nên dựa vào nguyên liệu cần sấy để ứng dụng các công nghệ sấy phù hợp để cho hiệu quả cao nhất, tiết kiệm chi phí nhiên liệu mà cho sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Công nghệ sấy ngày càng được quan tâm và cải tiến cùng với sự phát triển vượt trội của KHCN để tạo ra các sản phẩm với chất lượng tốt nhất. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện tốt việc bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới Sáng tạo tỉnh Nguyễn Hương nêu rõ: Hằng năm, Trung tâm Nghiên cứu, Chuyển giao công nghệ và Đổi mới sáng tạo thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, giới thiệu các công nghệ sấy tiên tiến nhằm giúp người dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ đa dạng và phù hợp nhất.
Những công nghệ sấy trước khi chuyển giao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đều được trung tâm trải qua quá trình nghiên cứu, thí điểm và khẳng định tính hiệu quả. Các công nghệ sấy có thể ứng dụng trong chế biến sản phẩm thuộc chương trình OCOP tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Từ hiệu quả thiết thực này, thời gian tới cần tăng cường áp dụng công nghệ, liên kết hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng giá trị của các loại dược liệu, nông sản tại địa phương, góp phần tăng giá trị kinh tế cho người dân.
Trần Cát Linh
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-gia-tri-nong-san-nho-cong-nghe-say-190146.htm