Thời gian qua, thiên tai, dịch bệnh qua đi để lại nhiều hậu quả, trong đó có hàng nghìn cháu nhỏ mất cha/mẹ, nhiều cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoàn cảnh khó khăn. Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng chính phủ “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phát động của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị trong CAND, Hội Phụ nữ Bộ Công an, Đoàn Thanh niên, Công đoàn CAND đã triển khai nhiều hình thức đỡ đầu, hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đơn vị đóng quân với các chương trình “Con nuôi Công an”, “Con đỡ đầu Công an xã”, “Mẹ đỡ đầu”, “Nâng bước em đến trường”, “Con nuôi công đoàn”…
Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị phát biểu tại buổi tọa đàm.
Qua 2 năm, đã có những kết quả đáng ghi nhận với số lượng hơn 3.400 cháu trên toàn quốc được các bố, mẹ Công an nhận đỡ đầu. Cùng với việc được Công an đơn vị, địa phương nhận chăm sóc, hỗ trợ với mức kinh phí từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng/cháu, đến khi các cháu tròn 18 tuổi; các bố, mẹ đỡ đầu thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, đồng hành cùng các cháu trong cuộc sống, tổ chức dạy học ngoại ngữ, kiến thức pháp luật, định hướng nghề nghiệp cho các cháu...
Tại buổi tọa đàm, tham luận của các đại biểu đã tập trung trao đổi về chương trình đỡ đầu trẻ mồ côi đang được tiến hành trong CAND; phân tích thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai; từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm. Đồng thời, phát hiện, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong toàn lực lượng; cung cấp luận cứ khoa học về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và tính nhân văn của các chương trình; đề ra những phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chương trình trong thời gian tiếp theo.
Các đại biểu dự tọa đàm.
Trong đó, TS Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội tham luận làm rõ về các chính sách của nhà nước, quy định của pháp luật hỗ trợ trẻ em mồ côi hiện nay; đồng thời, đánh giá cao chương trình “Mẹ đỡ đầu” đang triển khai trong CAND.
Bên cạnh đó, Đại tá Nguyễn Thế Chi, Phó Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc tham luận về công tác dân vận của lực lượng CAND, góp phần thực hiện tốt hoạt động an sinh xã hội. Đồng chí Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Cần Thơ tham luận về hiệu quả triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ. Đồng chí Nguyễn Chí Chung, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La đánh giá về công tác phối hợp thực hiện Đề án “Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La" …
Kết thúc tọa đàm, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu, Phó Cục trưởng Cục Công tác đảng và công tác chính trị cho biết, đây là chương trình được thực hiện chủ yếu bởi các cấp Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Công đoàn trong CAND; một số đơn vị đã nhận nuôi dưỡng chăm sóc các cháu tập trung như Công an tỉnh Sơn La, Hà Giang….
Từ các ý kiến đóng góp và các kết quả thực tiễn cho thấy, chương trình đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần giúp đỡ hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp cho các em những điều kiện tốt hơn để phát triển về thể chất và tinh thần, tạo dựng niềm tin, chỗ dựa vững chắc cho các cháu; phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ sớm, từ xa có thể xảy ra trong tương lai đối với các cháu không có nơi nương tựa. Các đơn vị thực hiện tốt chương trình cũng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý giá, là cơ sở để cơ quan tham mưu tiếp thu và nghiên cứu. Tuy nhiên, qua tọa đàm, cũng đã nhận diện được một số thách thức và khó khăn trong việc triển khai chương trình đồng bộ và hiệu quả.
Để tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định những định hướng cụ thể trong thời gian tới và để triển khai thực hiện tốt các chương trình trên, Thiếu tướng Ngô Hoài Thu đề nghị, cơ quan tham mưu công tác trẻ em trong CAND bám sát chủ trương, ý kiến chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Trung ương Hội LHPN Việt Nam trong triển khai các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em con CBCS và nhân dân.
Lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả của các chương trình trên, đưa chương trình đi vào thực chất hơn; tiếp tục phát huy những mô hình tốt, cách làm hay nhân rộng các điển hình tiêu biểu, các sáng kiến sáng tạo trong việc hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo chương trình được triển khai đồng bộ, hiệu quả ở mọi địa phương.
Nhật Minh