Mô hình chăn nuôi bò thịt cho hiệu quả kinh tế cao của hộ ông Nguyễn Xuân Hợi, xã Ngọc Thanh (Kim Động)
Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình vỗ béo bò với quy mô 300 con bò của 37 hộ tại xã Ngọc Thanh (Kim Động) và xã Hồng Vân (Ân Thi). Các hộ tham gia mô hình bảo đảm các tiêu chí: Có địa điểm thực hiện phù hợp với nội dung, yêu cầu kỹ thuật của mô hình; ngoài kinh phí hỗ trợ của mô hình, các hộ cam kết đầu tư vốn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật. Để giúp các hộ nông dân tham gia mô hình tiếp nhận và thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật, Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật tổ chức các hoạt động như: Chọn hộ tham gia mô hình, tổ chức tập huấn kỹ thuật, tham quan, hội thảo, phát hiện và xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình triển khai; hướng dẫn nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tại các hộ tham gia mô hình, kịp thời phát hiện và xử lý các tồn tại trong quá trình thực hiện; h¬ướng dẫn hộ chăn nuôi viết nhật ký sổ theo dõi, báo cáo kết quả tiếp nhận, triển khai thực hiện mô hình. Ngoài ra, tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ 50% thức ăn hỗn hợp theo định mức tương đương 135kg/con bò. Ngày 9/10, Trung tâm đã tổ chức cấp 40.500kg thức ăn hỗn hợp cho đàn bò tham gia mô hình vỗ béo bò. Dự kiến sau 3 tháng nuôi, tăng trọng trung bình mỗi con bò đạt 135kg.
Thức ăn vỗ béo bò thịt được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cấp phát cho các hộ tham gia mô hình
Ông Nguyễn Xuân Hợi, xã Ngọc Thanh (Kim Động) cho biết: Một trong những giống bò đang được nông dân chọn nuôi nhiều là giống bò 3B. Đây là giống bò có ngoại hình lớn, nhiều thịt, tỷ lệ thịt xẻ cao, bán được giá. Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Tẩy giun sán, tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục. Mô hình vỗ béo bò được triển khai đã tạo điều kiện cho người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật; nắm được khẩu phần thức ăn cho đàn bò, công thức chế biến một số loại thức ăn phối trộn hỗn hợp, ủ rơm ure, ủ cỏ, thân cây ngô; nguyên nhân và biện pháp phòng và trị một số bệnh trên đàn bò.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, mô hình vỗ béo bò giúp cho nông dân tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn cho đàn bò, góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế. Quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt dễ áp dụng, phù hợp với các hộ chăn nuôi; tạo ra đàn bò thịt cho năng suất cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với đó, mô hình tạo điều kiện cho các hộ tiếp cận và sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi bò vỗ béo để xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Đào Ban