Kiên quyết xử lý những tồn tại
Những ngày cuối Thu, một khu vực nhỏ gần bãi giữa dưới chân cầu Long Biên trở thành địa điểm thu hút nhiều người dân đến check-in nhờ sự xuất hiện của một “rừng” hoa cúc. Công trình “Bến hoa Phúc Xá” trên địa bàn phường Phúc Xá, quận Ba Đình, ra đời là kết quả lao động các lực lượng của quận Ba Đình, phường Phúc Xá đã giải tỏa các lều lán, dọn dẹp vệ sinh môi trường, cải tạo đất... từ đó biến một khu vực nhếch nhác, lụp xụp thành một không gian thoáng đãng, có cảnh quan đẹp bên bờ hữu sông Hồng, đoạn ngay dưới cầu Long Biên.
Từ một khu vực nhếch nhác, lụp xụp… bằng sự “linh hoạt, sáng tạo” một không gian văn hóa, thoáng đãng, có cảnh quan đẹp bên bờ hữu sông Hồng đã trở thành điểm đến thu hút đông đảo người dân.
Quá trình xây dựng “Bến hoa”, các lực lượng chức năng quận Ba Đình đã giải tỏa gần 100 lều lán, chuồng trại; san ủi gần 10ha đất, chặt bỏ khoảng 5.000 cây dại… Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên quận Ba Đình, Hội Chữ thập đỏ quận cùng hàng trăm tình nguyện viên đã chung tay cùng phường Phúc Xá dọn dẹp vệ sinh môi trường, cải tạo đất. Sau những nỗ lực ấy, công trình “Bến hoa Phúc Xá” là thành quả của tinh thần quyết tâm, bền bỉ, tâm huyết của Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình đã gieo trồng, chăm sóc hàng nghìn m2 hoa không quản nắng mưa, bão lụt để chung tay sáng tạo một không gian đẹp giữa lòng thành phố.
Nhân dịp ra mắt “Bến hoa Phúc Xá”, UBND và Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Ba Đình cũng đã tổ chức hoạt động tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2024 - 2025. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết: “Quận luôn mong muốn được học hỏi và chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, cũng như khuyến khích các tài năng trẻ phát huy giá trị di sản, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn nghề truyền thống, phát triển du lịch bền vững và chung tay vì cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống xã hội”.
Còn tại quận Tây Hồ, từ đầu năm đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND quận, UBND các phường có địa giới hành chính tiếp giáp với sông Hồng như: Phú Thượng, Nhật Tân, Quảng An, Tứ Liên và Yên Phụ cũng đã tập trung xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng. Theo thống kê của quận, tính đến ngày 31/10, các phường ngoài bãi sông Hồng đã tiến hành tháo dỡ hơn 2.897m2 lều lán công trình tạm, 1.117m hàng rào tôn, rào kín… lấn chiếm hành lang an toàn thoát lũ. Trong đó, phường Phú Thượng là 214m2 lều lán công trình tạm, 500m hàng rào tôn, rào kín; Nhật Tân là 521m2 lều lán công trình tạm, 447m2 hàng rào tôn, hàng rào kín; Quảng An là 55m2 lều lán công trình tạm, 100m hàng rào tôn, rào kín; Tứ Liên là 1.944m2 lều lán, công trình tạm; Yên Phụ là 163,5m2 lều lán, công trình tạm và 70m hàng rào tôn, rào kín.
Được biết, đợt ra quân xử lý vi phạm Luật Đê điều và phòng chống thiên tai trên địa bàn quận được chia ra thành 3 giai đoạn, thời gian thực hiện xong trước tháng 6/2025. Trong đó, mỗi giai đoạn sẽ tương ứng với một khu vực cụ thể với mục tiêu kiểm tra đến đâu, xử lý dứt điểm vi phạm đến đó.
Tập trung nguồn lực, ưu tiên thực hiện quy hoạch
Theo Điều 17 Luật Thủ đô (sửa đổi) về “Quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô”, việc xây dựng và phát triển Thủ đô phải thực hiện theo Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô. Trong đó, Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các địa phương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô và cả nước.
Để thực hiện triển khai có hiệu quả Luật Thủ đô, UBND Thành phố sẽ quyết định điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân Thành phố quy định chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường, điều chỉnh cục bộ quy hoạch quy định tại khoản này.
Riêng đối với khu vực đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện được phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị thì không phải lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện mà căn cứ vào quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng vùng huyện và chỉ tiêu sử dụng đất đã được phân bổ từ quy hoạch chung Thủ đô và các chỉ tiêu sử dụng đất của địa phương để lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Chính vì vậy, để triển khai có hiệu quả chương trình này, ngay sau khi Luật Thủ đô 2024 được Quốc hội thông qua, trong suốt hơn 1 tháng qua, đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân Thành phố đã lần lượt làm việc với các địa phương nơi có sông Hồng đi qua. Tại các buổi làm việc, bên cạnh việc tập trung làm rõ công tác triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý, đầu tư xây dựng, quản lý đê, quản lý đất đai, các hoạt động xây dựng khu vực bãi sông, ngoài đê sông Hồng… đặc biệt là những khó khăn vướng mắc trong quá trình lập và phê duyệt các quy hoạch 1/500 theo thẩm quyền.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Luật Thủ đô 2024 đã tạo khung khổ pháp lý mới từ cơ bản “giải quyết” nhiều vướng mắc về sử dụng bãi sông, bãi nổi trên sông. Vấn đề quan trọng hiện nay là các địa phương nằm trong diện này cần sớm tuyên truyền cho người dân hiểu và đồng thuận, từ đó có định hướng khảo sát, đánh giá hiện trạng theo phương hướng có thể “khai thác” nhưng vẫn bảo đảm nghiêm ngặt yêu cầu phòng, chống thiên tai.
Tuấn Dũng