Năm 2024, ngành thuế Quảng Ngãi đã dần hoàn thiện các quy định, hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022, nhằm phục vụ hiệu quả người dân, DN.
Ngành thuế tỉnh đã chủ trì triển khai 4 dịch vụ công thiết yếu, gồm: Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân; thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với DN; thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân; nộp thuế, lệ phí trước bạ đối với DN...
Người dân thực hiện các thủ tục khi giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh.
Nghành thuế còn chủ động phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các dịch vụ công có liên quan đến lĩnh vực thuế trên Cổng dịch vụ công quốc gia có kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Tiếp tục triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax Mobile đối với cá nhân trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh có gần 6.100 hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, sử dụng dịch vụ eTax Mobile, với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước gần 163 tỷ đồng; có 661 DN, tổ chức, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; có 149 đơn vị, thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 100% chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao.
Đối với hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh, đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ đối với các đơn vị sử dụng ngân sách. Ngay từ đầu năm 2024, hệ thống KBNN đã triển khai mô hình mới và khai báo luồng phê duyệt trên các ứng dụng; triển khai hỗ trợ, xử lý lỗi để hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến một phần; triển khai và sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS). Qua đó, thực hiện đầy đủ, kịp thời, chính xác các nghiệp vụ phát sinh, lập báo cáo thu, chi; thực hiện hiệu quả quy trình thanh toán điện tử liên ngân hàng, thanh toán song phương điện tử giữa KBNN với các ngân hàng thương mại.
Về triển khai dịch vụ công trực tuyến, hệ thống KBNN đã tiếp nhận, giải quyết kịp thời 100% yêu cầu hỗ trợ cho các đơn vị, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị tác nghiệp nhanh chóng trên các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực kho bạc được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Giám đốc KBNN tỉnh Lê Trần Anh Tuấn cho biết, trong thời gian đến, kho bạc đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ KBNN theo hướng tiếp tục mở rộng tài khoản chuyên thu tại các KBNN cấp huyện; tiếp tục phối hợp với các đơn vị sử dụng ngân sách, các ban quản lý dự án duy trì thực hiện tốt giao dịch thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến với KBNN Quảng Ngãi.
Bài, ảnh: TRƯỜNG AN