Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng, Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân; Trung tướng Nguyễn Văn Phục, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo được tổ chức để làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; đánh giá thực trạng và phương hướng hoàn thiện pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại động đồng.
Trung tướng Nguyễn Văn Phục phát biểu khai mạc hội thảo.
Theo Ban tổ chức, quá trình chuẩn bị hội thảo, đơn vị đã nhận được hơn 60 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, các trường, học viện CAND và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các nhà khoa học.
Các bài viết thể hiện sự đầu tư nghiên cứu, tâm huyết, kinh nghiệm và kiến thức phong phú về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng. Đồng thời, thông qua các bài tham luận, các tác giả đều đưa ra luận cứ khoa học để góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận và phương hướng, giải pháp có tính khả thi để hoàn thiện hệ thống pháp luật công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Các đại biểu, nhà khoa học dự hội thảo.
Trong đó, Thiếu tướng, TS Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an đã có bài tham luận sâu sắc nêu rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về thi hành tạm giữ, tạm giam. Theo đó, đồng chí Thứ trưởng đánh giá công tác thi hành tạm giữ, tạm giam có ý nghĩa quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Phạm vi bài viết đề cập đến những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam; thực trạng về công tác này ở nước ta; kết quả đạt được và phương hướng hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật trong thi hành tạm giữ, tạm giam trong thời gian tiếp theo.
Trung tướng, GS.TS Trần Minh Hưởng điều hành phần tham luận tại hội thảo.
Bên cạnh đó, Trung tướng Trần Văn Thiện, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trại giáo dưỡng có bài viết làm rõ thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân ở trại giam; Trung tướng, Ths Trần Đức Tuấn có bài viết về Công tác thanh tra việc thi hành pháp luật về quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, đầu tư xây dựng các cơ sở giam giữ trong CAND thời gian qua và một số giải pháp, kiến nghị.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học đã tham luận, tập trung đi sâu, làm rõ thêm thực trạng mô hình, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; thực trạng công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng; quan hệ phối hợp giữa Cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự với Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng…
Kết quả hội thảo đóng góp các luận cứ khoa học, tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và Luật Thi hành án hình sự năm 2019; đồng thời, là cơ sở quan trọng để các học viện, trường CAND hoàn thiện chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu dạy học, hồ sơ bài giảng phục vụ giảng dạy ngành thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
Nhật Minh