Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn các dự án bất động sản bỏ hoang

Nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra để ngăn chặn các dự án bất động sản bỏ hoang
6 giờ trướcBài gốc
Các địa phương cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra các dự án BĐS theo các quy định của pháp luật.
Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Long An gửi tới sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV về giải pháp phát huy hiệu quả việc sử dụng các dự án bị bỏ hoang, ngăn chặn không để phát sinh thêm các dự án BĐS mới tiếp tục bị bỏ hoang.
Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, Luật Nhà ở năm 2023 đã quy định nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan; đồng thời, tiếp tục quy định về “dự kiến tổng nhu cầu diện tích sàn nhà ở tăng thêm” để đảm bảo mối liên hệ giữa nhu cầu và chỉ tiêu phát triển nhà ở của địa phương.
Tại Điều 9 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ đã bổ sung quy định về nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, cụ thể là: “Dự kiến thời điểm chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án, tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở đánh giá hiện trạng nhà ở, khả năng cân đối cung - cầu về nhà ở, tốc độ đô thị hóa, khả năng đáp ứng yêu cầu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại khu vực dự kiến thực hiện dự án, tại thời điểm xây dựng kế hoạch”.
Ngoài ra, tại Điều 33 Luật Đầu tư năm 2020 quy định nội dung đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm: “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở…”
Tại Điều 15 Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24/7/2024 của Chính phủ đã bổ sung quy định về sự phù hợp của các nội dung đề xuất về nhà ở với nội dung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; trong đó, khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thì cơ quan quản lý nhà ở đánh giá về “sự phù hợp của địa điểm thực hiện dự án với khu vực dự kiến phát triển nhà ở theo dự án trên địa bàn hành chính cấp huyện nơi có dự án...”
Mặt khác, đối với nhà ở đã hoàn thành việc nghiệm thu đưa vào sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng, nhưng chưa bố trí sử dụng thì Luật Nhà ở năm 2023 có quy định về việc chuyển đổi công năng nhà ở để các nhà ở này có thể được khai thác, sử dụng hiệu quả, tránh bị bỏ hoang, lãng phí.
Liên quan đến việc ngăn chặn không để phát sinh thêm các dự án BĐS mới tiếp tục bị bỏ hoang trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cho biết, theo quy định của pháp luật, quá trình triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh BĐS của dự án BĐS phải tuân thủ nhiều hệ thống pháp luật, như pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh BĐS...
Theo quy định của pháp luật về đất đai, dự án BĐS phải được triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng đất trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án nhận bàn giao đất. Quá thời hạn trên nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng mà không có lý do chính đáng thì có thể bị thu hồi diện tích đất chủ đầu tư dự án đã nhận bàn giao để thực hiện dự án.
Theo quy định của pháp luật về đầu tư, chủ đầu tư dự án sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ, nội dung dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
Do vậy, để hạn chế tình trạng có dự án BĐS bỏ hoang, chậm triển khai như phản ánh của cử tri tỉnh Long An, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh đối với các dự án BĐS theo các quy định của pháp luật.
Minh Hà
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/nang-cao-hieu-qua-thanh-tra-kiem-tra-de-ngan-chan-cac-du-an-bat-dong-san-bo-hoang.html