Nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn

Nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn
7 giờ trướcBài gốc
Hoạt động thu thập số liệu quan trắc của quan trắc viên Trạm Khí tượng Thanh Hóa.
Giám đốc Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Minh cho biết: Đài đang duy trì hoạt động 8 trạm khí tượng bề mặt; 16 trạm thủy văn cơ bản; 2 trạm thủy văn chuyên dùng; 1 trạm hải văn; 1 trạm bức xạ tự động; 78 điểm đo mưa tự động độc lập của ngành, 39 trạm của tỉnh; 6 trạm khí tượng tự động, 7 trạm thủy văn đo mực nước tự động; 1 trạm quan trắc định vị sét tự động...
Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có thêm 6 trạm thủy văn; 2 trạm hải văn; 6 trạm đo mặn; 8 trạm khí tượng; 169 trạm đo mưa; 2 trạm ra đa thời tiết. Hệ thống công trình, trang thiết bị, máy móc đo đạc, quan trắc trên mạng lưới trạm của đài ngày càng được trang bị đồng bộ, hiện đại, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin và dự báo, cảnh báo KTTV nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
Để theo dõi, cập nhật các yếu tố thời tiết, thủy văn, bên cạnh những thao tác trực, ghi chép thủ công từ những thiết bị đo truyền thống, Đài KTTV tỉnh đã được nâng cấp, trang bị, lắp đặt các thiết bị có công nghệ tự động hóa, hiện đại đo các yếu tố như mưa, gió, nhiệt độ, độ ẩm, khí áp... Hiện các trạm khí tượng đã được lắp đặt máy gió tự ghi, tự báo; máy mưa tự báo, 3 trạm thủy văn đo lưu lượng nước đo bằng máy lưu tốc kế hiện số; 7/16 trạm thủy văn có công trình tự ghi mực nước... Cùng với đó, đài đã sử dụng phần mềm thu nhận, xử lý, giải mã số liệu tích hợp tập trung tất cả các số liệu của trạm tự động để khai thác một cách thống nhất và nhanh chóng phục vụ cho công tác dự báo. Số liệu từ các trạm KTTV truyền thống chuyển về được kiểm tra nhanh qua phần mềm nhằm hạn chế sai sót...
Cũng theo Giám đốc Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Minh, với công nghệ dự báo hiện đại được trang bị, đài không chỉ nâng cao độ chính xác dự báo mà còn dự báo chi tiết, dự báo được nhiều hiện tượng thiên tai phục vụ yêu cầu ngày càng cao của xã hội cũng như công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, đài đã thực hiện khoảng 3.000 bản tin thời tiết các loại như: bản tin dự báo thời tiết hàng ngày; bản tin thời tiết thủy văn nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, mưa, lũ lớn, lũ ống lũ quét, sạt lở đất, rét đậm rét hại, hạn hán, xâm nhập mặn...
Bên cạnh kết quả đạt được, đánh giá từ thực tiễn cho thấy, công tác KTTV trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là thiên tai cực đoan, bất thường, nguy hiểm ngày càng gia tăng, khó lường, khó dự báo. Đặc biệt, Thanh Hóa có mạng lưới sông ngòi dày đặc, có sông nội tỉnh, liên tỉnh, sông xuyên biên giới; phân bố trên các địa hình đa dạng, phức tạp. Nhiều vùng không có số liệu quan trắc, nhất là đầu nguồn sông Mã, sông Chu ở phía Lào. Nhiều trạm thủy văn chịu ảnh hưởng của hồ chứa nên đo đạc với tần suất cao hơn, kể cả trong mùa cạn; tình trạng máy móc thiết bị quan trắc tự động hư hỏng do tác động của môi trường vẫn xảy ra; trang thiết bị phục vụ điều tra cơ bản còn thiếu cả về số lượng và chất lượng, thiết bị quan trắc thủ công vẫn còn nhiều...
Với quan điểm thông tin, dữ liệu KTTV là đầu vào quan trọng của các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân và góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh quốc gia, Đài KTTV Thanh Hóa đã và đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thách thức hướng tới các sản phẩm dự báo, cảnh báo KTTV ngày càng đa dạng, cung cấp kịp thời, đầy đủ các số liệu quan trắc, phục vụ công tác điều tra cơ bản, đặc biệt là phát hiện kịp thời, cảnh báo sớm các hiện tượng KTTV nguy hiểm, các nguy cơ thiên tai có nguồn gốc từ KTTV, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bài và ảnh: Phong Sắc
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/nang-cao-nang-luc-du-bao-khi-tuong-thuy-van-237907.htm