Chủ động khắc phục điểm sạt lở trên quốc lộ 6, đoạn qua xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu.
Thông tin dự báo, cảnh báo các đợt mưa lớn cùng nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất được cung cấp cho Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự các địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại. Đơn cử như đợt mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3, tháng 9/2024, từ thông tin cảnh báo mưa lớn, các huyện trong toàn tỉnh đã chủ động thông tin tới nhân dân dân tránh xa các khu vực có nguy cơ, nguy hiểm; chủ động di chuyển tài sản, người đến nơi an toàn.
Phù Yên là một trong những địa phương thường xuyên xảy ra thiên tai, năm 2024, tổng thiệt hại ước tính trên 85,7 tỷ đồng. Bà Đinh Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên, cho biết: Năm 2025, dự báo thời tiết diễn biến phức tạp. UBND huyện chỉ đạo các địa phương tuyệt đối không chủ quan, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, cảnh báo tới nhân dân; rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, đá và lũ ống, lũ quét trên địa bàn để cắm biển cảnh báo.
Còn huyện Vân Hồ, từ năm 2023 đến nay, cũng thường xuyên diễn ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai luôn được Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự huyện triển khai sớm, các biện pháp ứng phó. Cung cấp thông tin đến các xã, di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ, thông tin: Trên cơ sở các thông tin cảnh báo, Phòng đã tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương trong huyện ứng phó với lũ bão theo phương châm “4 tại chỗ”; bố trí trực 24/24 giờ khi có thiên tai xảy ra. Chỉ đạo các xã tăng thời lượng phát thông báo, cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến toàn thể nhân dân.
Dự báo năm 2025, thời tiết cực đoan tiếp tục diễn biến phức tạp. Nắng nóng duy trì ở mức cao, nhưng khó vượt kỷ lục năm 2024. Biển Đông có thể xuất hiện 11-13 cơn bão, trong đó 5 - 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền; nguy cơ có bão mạnh từ cấp 12 trở lên khá cao. Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 4 đợt không khí lạnh kéo dài, 1 đợt nắng nóng, 4 trận giông lốc, sét kèm mưa đá, làm 6 người thương vong; 307 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; trên 200 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 4 tỷ đồng.
Lực lượng “4 tại chỗ” xã Tường Phong, huyện Phù Yên kiểm tra khu vực suối Tre có thể xảy ra lũ ống, lũ quét khi mưa lớn.
Hằng năm, tỉnh Sơn La hỗ trợ kinh phí đầu tư các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác dự báo, cảnh báo. Hiện nay, toàn tỉnh có 14 điểm đo mưa tự động, 12 trạm cảnh báo sớm lũ, lũ quét, 4 trạm thủy văn, 8 trạm khí tượng, 1 trạm môi trường không khí tự động và 1 trạm bức xạ tự động… Các trạm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đưa ra cảnh báo sớm nhất có thể, phục vụ nhiệm vụ ứng phó với thiên tai. Bản tin dự báo và mưa lớn, cảnh báo những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, nguy cơ sạt lở đất được cung cấp 4 lần/ngày trở lên trong thời điểm mưa kéo dài. Theo đó, các địa phương chủ động di dời người dân, tài sản ra khỏi khu vực nguy cơ, cũng như kịp thời huy động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Ông Phan Văn Cường, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Sơn La, cho biết: Mạng lưới quan trắc ngày càng được hiện đại hóa, bảo đảm dự báo, cảnh báo liên tục, chính xác. Hiện nay, Trung tâm thực hiện các bản tin dự báo tháng đến các huyện; dự báo nhiệt độ, mưa theo các thời kỳ; các bản tin cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến các xã. Đồng thời, ban hành các bản tin phục vụ các dịp nghỉ lễ, tết, các sự kiện quan trọng của tỉnh. Ban hành kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn nguy hiểm phát trên bản tin dự báo thời tiết của Báo Sơn La điện tử, trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; trên các nền tảng mạng xã hội.
Công tác cảnh báo sớm, dự báo chính xác về diễn biến tình hình thời tiết, góp phần giúp Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các cấp và nhân dân các địa phương chủ động các phương án ứng phó, giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo vệ an toàn người và tài sản của nhân dân.
Bài, ảnh: Khải Hoàn