Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, chế biến lâm sản
6 giờ trướcBài gốc
Lực lượng kiểm lâm huyện Gio Linh bám sát địa bàn để cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp nhằm phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc lâm sản - Ảnh: H.T
Ngày 30/12/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (Thông tư số 26). Thông tư này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp, bởi đây là văn bản quy phạm pháp luật chi tiết và cụ thể về các yêu cầu trong quản lý, khai thác và truy xuất nguồn gốc lâm sản, nhằm bảo đảm sự minh bạch, hợp pháp trong hoạt động lâm nghiệp tại Việt Nam.
Thông tư số 26 có phạm vi điều chỉnh rộng, bao gồm các quy định về việc quản lý và truy xuất nguồn gốc của tất cả các loại lâm sản, từ gỗ cho đến các sản phẩm từ rừng như tre, nứa, lồ ô, mây, song. Mặt khác, thông tư không chỉ áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp khai thác lâm sản mà còn áp dụng cho tất cả các bên liên quan trong chuỗi cung ứng, bao gồm vận chuyển, chế biến và tiêu thụ lâm sản. Điều này giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm tra, kiểm soát được tính hợp pháp của lâm sản. Đồng thời giúp người tiêu dùng và đối tác quốc tế tin tưởng hơn vào các sản phẩm từ rừng Việt Nam.
Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư số 26 cùng các văn bản, nghị định có liên quan, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ban hành văn bản triển khai nghiên cứu, phổ biến, áp dụng; đồng thời tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) ban hành văn bản số 725/SNN-KL ngày 12/3/2024 về việc phổ biến các văn bản của trung ương thuộc lĩnh vực lâm nghiệp.
Các hạt, trạm kiểm lâm cũng tổ chức hướng dẫn Thông tư số 26 và các văn bản liên quan đến quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản đến các cơ sở thương mại chế biến lâm sản trên địa bàn quản lý. Theo đó, trong quá trình thực hiện quản lý truy xuất nguồn gốc lâm sản, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã kiểm tra truy xuất nguồn gốc được 1.368.000 tấn gỗ các loại có nguồn gốc từ rừng trồng. Gỗ và sản phẩm gỗ sau chế biến được truy xuất nguồn gốc là 1.241.898 tấn, trong đó dăm gỗ 862.469 tấn, gỗ xẻ và ván lạng 48.566 tấn, ván MDF 229.926 tấn và 100.937 tấn viên nén năng lượng, ước tính giá trị 3.619,4 tỉ đồng.
Song song với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng quy trình “Xác nhận nguồn gốc gỗ trước khi xuất khẩu” trình UBND tỉnh ban hành quyết định và đưa vào tổ chức thực hiện. Việc thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc gỗ và quản lý gỗ xuất nhập khẩu được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật về quản lý lâm sản. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh Quảng Trị hiện có diện tích rừng trồng sản xuất dự kiến khai thác hằng năm đạt khoảng 8.000 - 10.000 ha, sản lượng khai thác hằng năm đạt khoảng 1 triệu m3, (chưa kể lượng cây trồng phân tán).
Đây là tiềm năng rất lớn của tỉnh về phát triển sản xuất lâm nghiệp nói chung và thương mại chế biến gỗ nói riêng. Toàn tỉnh có 53 nhà máy sản xuất chế biến thương mại lâm sản được cấp phép đầu tư, trong đó có 41 nhà máy đang hoạt động; công suất thiết kế khoảng 2.500.000 tấn/năm, công suất được cấp phép khoảng 2.000.000 tấn/năm, công suất đang hoạt động khoảng 1.500.000 tấn/năm, chiếm 75% công suất được cấp phép.
Ngoài ra còn có 151 cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, chủ yếu sản xuất ván ghép thanh, ván lạng, cưa gia công, sản xuất đồ gỗ nội thất, đồ mộc dân dụng... phục vụ nhu cầu thị trường trong tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Nguyên liệu hầu hết được thu mua có nguồn gốc từ rừng trồng sản xuất được khai thác trên địa bàn tỉnh, một số được thu mua từ các tỉnh lân cận như Quảng Bình và TP. Huế.
Để thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc lâm sản và phân loại doanh nghiệp trong thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo công chức kiểm lâm tăng cường bám sát địa bàn, nắm vững tình hình khai thác rừng trên địa bàn để cập nhật diễn biến rừng và đất lâm nghiệp cũng như thống kê chính xác sản lượng gỗ khai thác để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc lâm sản.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản để xác định tính hợp pháp của lâm sản và nắm sản lượng gỗ nhập, xuất của doanh nghiệp. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thương mại chế biến lâm sản cập nhật, ghi chép sổ sách nhập xuất lâm sản và báo cáo nguồn gốc lâm sản theo đúng quy định, đảm bảo đúng hồ sơ lâm sản hợp pháp quy định tại Thông tư số 26 và các quy định hiện hành của pháp luật về chế biến thương mại lâm sản.
Phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của nhà nước về khai thác, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản. Đối với phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, các lực lượng chức năng sẽ hỗ trợ tối đa và hướng dẫn các doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đáp ứng tốt các điều kiện về phân loại doanh nghiệp để sản xuất gỗ, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy về thương mại lâm sản quốc tế, chủ động đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu bằng cách thực hiện nghiêm túc, bài bản từ khâu sản xuất ở vùng nguyên liệu đến khâu chế biến để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm.
Thiện Long
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-nang-luc-quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-hoat-dong-san-xuat-che-bien-lam-san-193141.htm