Ông Nguyễn Thanh Tâm báo cáo tại Hội thảo. (Ảnh: TT)
Ngày 28/3, tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Tổ chức Rainforest Alliance, Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak), Công ty TNHH Vĩnh Hiệp và các đối tác đã tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình Nâng cao nhận thức nhằm hạn chế lao động trẻ em trong ngành hàng cà phê tại Việt Nam.
Nhóm học sinh đến từ huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, một trong những địa phương thụ hưởng chương trình. (Ảnh: TT)
Chương trình được thí điểm tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2024 với mục tiêu: Cải thiện sinh kế và cân bằng giới trong việc ra quyết định của nông hộ. Cải thiện hiệu quả học tập cho trẻ em và cơ hội việc làm cho thanh thiếu niên. Hỗ trợ doanh nghiệp cà phê giải quyết vấn đề lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng và phối hợp với các cơ quan hữu quan, doanh nghiệp, đối tác để thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em, lao động trẻ em.
Em Kpă Li-Sa một trong những học sinh được học nghề từ chương trình chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: TT)
Báo cáo tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Cổ phần TMT Consulting cho biết, là đơn vị sản xuất, kinh doanh cà phê gắn bó mật thiết với người nông dân ở Tây Nguyên. Vì vậy, rất thấu hiểu điều kiện sống, sinh hoạt và tập tục của người dân, nhất là người dân tộc thiểu số (DTTS).
"Tại các vùng trồng cà phê, vùng sâu, vùng DTTS, lao động trẻ em vẫn tồn tại do yếu tố văn hóa và kinh tế. Nhiều hộ gia đình có thói quen để trẻ tham gia lao động từ sớm nhằm hỗ trợ gia đình. Một cái khó, khi triển khai chương trình, người dân nói tiếng Việt chưa thông thạo, dẫn đến tiếp thu nội dung hạn chế", ông Tâm phân tích.
Bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơk phát biểu. (Ảnh: TT)
Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, chương trình đã mang lại những tín hiệu tích cực. Điều đó được bà Nguyễn Hoài Thu, Phó Chủ tịch UBND xã A Dơk, huyện Đắk Đoa, Gia Lai khẳng định: "Nhờ Chương trình, hàng chục em người DTTS trên địa bàn được đến trường học nghề. Các em ở vùng khó được đi học đầy đủ, rất ít gia đình cho con nghỉ học để đi nương, đi rẫy".
Còn theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, qua khảo sát, đánh giá thực tế, Chương trình đã mang lại những lợi ích thiết thực cho các địa phương thụ hưởng ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, nhất là trẻ em người DTTS.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ tại Hội thảo. (Ảnh: NT)
Từ đó, bà Nga nhấn mạnh, thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em ở Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Vì vậy, mô hình này đã đóng góp quan trọng vào phòng ngừa trẻ em lao động trái quy định của Pháp luật trong lĩnh vực Nông nghiệp, trong đó có mặt hàng cà phê.
Theo báo cáo của các đơn vị thụ hưởng, sau hơn 2 năm thực hiện, chương trình đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về quyền trẻ em, lao động trẻ em và hạn chế tình trạng lao động trẻ em xảy ra ở địa phương.
Trong đó, đã thành lập 34 câu lạc bộ trẻ em với 519 thành viên, hoạt động định kỳ hàng quý với các hoạt động đọc sách, trò chơi hoạt náo, vẽ tranh trên túi vải, trồng hoa. Trao tặng 400 bộ sách giáo khoa, 2 thư viện lưu động cho các trường học.
Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo nghề cho 45 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Tập huấn kỹ thuật canh tác cà phê và tặng mô hình sinh kế cho 1.500 nông dân. Thành lập 37 tổ bảo vệ trẻ em với 154 thành viên ở các thôn, buôn nhằm xử lý các vấn đề có thể xảy ra tại địa phương như trẻ em bị xâm hại, bạo hành.
Thành Tâm