Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ cùng với sự hưởng ứng tích cực của nhân dân. Qua đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Gia đình anh Tạ Văn Hiệp, xã Văn Tiến (Yên Lạc) ứng dụng công nghệ cao trồng dưa Nhật trong nhà lưới cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng
Một trong những mục tiêu cơ bản của Chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất cho người dân, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, lấy chăn nuôi làm mũi nhọn; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất phù hợp.
Trong đó, trọng tâm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện thâm canh cây trồng có hiệu quả. Các HTX nông nghiệp từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại, gắn kết và lồng ghép với triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Năm 2024, ngành Nông nghiệp thực hiện hỗ trợ hơn 800 tấn giống lúa các loại cho người dân; tổ chức tiêm phòng vắc xin cho hơn 7,1 triệu lượt con gia súc, gia cầm; sử dụng hơn 10 nghìn lít hóa chất phun khử trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi cho hơn 200 nghìn lượt hộ; triển khai 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ, 5 mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng hữu cơ với quy mô 200 ha, 3 mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ với quy mô 300 con lợn thịt.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung như vùng chăn nuôi bò sữa tại các xã thuộc huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm tại các xã thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo…
Toàn tỉnh có 28 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; một số mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi với các hộ dân trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, lợn, gia cầm… Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 63 triệu đồng/người/năm.
Mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Thế Hùng
Mới đây, xã Yên Bình (Vĩnh Tường) được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Diện mạo nông thôn ngày càng thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp.
Để nâng cao thu nhập cho người dân, hằng năm, UBND xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giới thiệu những mô hình kinh tế hiệu quả, những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt phục vụ sản xuất; thực hiện mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái.
Từ chỗ sản xuất chủ yếu dựa vào một số cây trồng truyền thống như ngô, lúa…, nông nghiệp ở Yên Bình đã có bước chuyển mình tích cực. Hiện, 100% diện tích lúa trong vụ mùa được cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm; xã có 2 sản phẩm nông nghiệp được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nhiều cây trồng mới được đưa vào sản xuất cho hiệu quả cao. Điển hình như mô hình trồng nho hạ đen, nho sữa gắn với du lịch sinh thái ở thôn Nội, diện tích 1,1 ha, tạo việc làm cho 5 - 7 lao động địa phương, thu nhập bình quân 7- 9 triệu đồng/lao động/tháng.
Cùng với đó, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề truyền thống, tạo nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm, tăng cường hợp tác xuất khẩu lao động nông thôn và từng bước giảm dần lao động thuần nông. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 72,1 triệu đồng/người, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều còn 0,12%.
Xác định tiêu chí số 10 về thu nhập giữ vai trò “đòn bẩy”, tạo động lực hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tỉnh tiếp tục khai thác hiệu quả lợi thế đất đai, khí hậu của địa phương và gắn với thị trường. Triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; duy trì và nâng cao chất lượng lao động, tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn.
Đồng thời đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh, các sản phẩm thế mạnh của địa phương, khuyến khích ưu tiên tiêu dùng hàng hóa được sản xuất trong tỉnh, góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của người dân theo hướng bền vững.
Mai Liên