Xác định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ trọng tâm
Góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Cần Thơ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Trần Hồng Nguyên nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với bố cục, nội dung của dự thảo Báo cáo chính trị và các tài liệu kèm theo trong dự thảo Văn kiện Đại hội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Trần Hồng Nguyên phát biểu tại Hội nghị xin ý kiến các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Hồ Long
Trên cơ sở kết quả tổng kết tình hình thực tiễn Đảng bộ 3 địa phương (TP. Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang), dự thảo Báo cáo chính trị cùng với 7 phụ lục kèm theo đã được chuẩn bị công phu, bố cục khoa học, có sự kết nối logic giữa các mục, bám sát nội dung của “Bộ tứ trụ cột” được đề ra tại 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu và đánh giá được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực với các số liệu chi tiết, cụ thể, có sự đối chiếu, đánh giá với các chỉ tiêu của Nghị quyết nhiệm kỳ 2020 - 2025; chỉ ra được nguyên nhân của kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong thời gian vừa qua, rút ra các bài học kinh nghiệm. Từ đó, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của TP. Cần Thơ và yêu cầu phát triển đất nước, của thành phố trong kỷ nguyên mới.
Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đánh giá cao và thống nhất với 5 quan điểm phát triển được nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị; nhất là quan điểm phát triển thứ 2. Đó là: “Đến năm 2030, TP. Cần Thơ phấn đấu trở thành một cực phát triển của quốc gia, trung tâm động lực của vùng, phát triển nhanh, bền vững, cân bằng tổng thể, toàn diện cả ba lĩnh vực: kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường; lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa, con người là nền tảng: tăng cường quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên".
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nêu rõ, để thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng nhằm đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, đặc biệt để đồng bộ với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 đã thể hiện tư duy mới, bổ sung, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, phân quyền, phân cấp giữa trung ương với chính quyền địa phương, giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với chính quyền địa phương cấp xã, hướng đến quản trị địa phương hiện đại, kiến tạo phát triển, tháo gỡ “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực đáp ứng mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững.
Đồng thời, để kịp thời xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, ngày 19/2/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 190/2025/QH15, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành 28 nghị định quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp và phân quyền, phân cấp trong các lĩnh vực cụ thể, như lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Tư pháp; Tài chính; Nội vụ; Khoa học và Công nghệ; Công Thương; Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra Chính phủ và các lĩnh vực quản lý thuế; công tác dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; dự trữ quốc gia; quản lý, sử dụng tài sản công; nội vụ; thống kê; y tế; đối ngoại; nông nghiệp và môi trường; văn hóa, thể thao và du lịch; công nghiệp và thương mại; y tế; đất đai.
Theo dự kiến, tổng số nhiệm vụ sẽ phân cấp, phân quyền cho các cấp là 1.470, riêng với chính quyền địa phương cấp xã là 1.065 nhiệm vụ, thẩm quyền liên quan.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Để thực hiện được khối lượng công việc rất lớn được giao, vừa nâng cao tính chủ động, sáng tạo, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của từng cấp chính quyền ở địa phương, vừa bảo đảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát của chính quyền cấp tỉnh, phát huy vai trò, tinh thần phục vụ nhân dân hiệu quả, tối đa của chính quyền cấp xã, qua đó khơi thông mọi nguồn lực để phát triển địa phương, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Đảng ta xác định việc hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhấn mạnh, TP. Cần Thơ cân nhắc bổ sung 3 giải pháp.
Một là, xác định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra, giám sát việc ban hành, tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Hai là, đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo hướng Quốc hội chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, địa phương căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và trên cơ sở luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa thành văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, bố trí, lựa chọn, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, quan tâm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.
Đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng, không gian phát triển mới sau sáp nhập
Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trần Hồng Nguyên nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, việc xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý mà trọng tâm là hoạt động xét xử, đặc biệt là giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, kinh tế, hôn nhân, lao động, các vụ án hành chính có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Trần Hồng Nguyên phát biểu tại Hội nghị xin ý kiến các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Hồ Long
Công tác tư pháp đáp ứng mục tiêu nêu trên cũng sẽ giúp củng cố niềm tin của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đối với môi trường pháp lý và đầu tư ở Việt Nam. Sự minh bạch, công bằng, khách quan trong hoạt động tư pháp không chỉ bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất, kinh doanh lâu dài, qua đó góp phần phát triển ổn định, bền vững kinh tế - xã hội.
Do đó, đề nghị nên đưa mục tiêu xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý là một trong các nhiệm vụ, giải pháp của Đảng bộ TP. Cần Thơ nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, tại mục VI.2 Phần II dự thảo Báo cáo chính trị nêu giải pháp về đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ; từ đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá phát triển TP. Cần Thơ trong tình hình mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho rằng, việc sáp nhập 3 địa phương là tiền đề quan trọng, thuận lợi để “mở rộng không gian phát triển, định vị rõ vai trò trung tâm kinh tế cấp vùng, đủ tầm để dẫn dắt cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long theo đúng tinh thần Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Quốc hội”.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Hồ Long
Tuy nhiên, liên quan đến nội dung này, mục 3 Phụ lục 1 kèm theo dự thảo Báo cáo chính trị nêu hạn chế và nguyên nhân là chậm cụ thể hóa, thí điểm thực hiện các cơ chế đặc thù phục vụ phát triển thành phố; một số nội dung cụ thể hóa Nghị quyết thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ, ngành trung ương chưa được phối hợp triển khai hoặc chưa đủ điều kiện triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, điểm a mục 8 của Nghị quyết số 227/2025/QH15 về Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội khóa XV cho phép TP. Cần Thơ sau sáp nhập đơn vị hành chính được tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị, nên đánh giá cụ thể hơn một số nội dung: kết quả đã đạt được; hạn chế được nhận diện là từ quy định của Nghị quyết hay do quá trình thực hiện hoặc chưa thực hiện; những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ; công tác phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết với các Bộ, ngành trung ương.
Toàn cảnh Hội nghị xin ý kiến các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP. Cần Thơ nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ảnh: Hồ Long
Sau khi đánh giá các nội dung nêu trên, TP. Cần Thơ cần chủ động báo cáo cơ quan có thẩm quyền, báo cáo Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 45/2022/QH15 nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng, lợi thế, không gian phát triển mới của TP. Cần Thơ sau hợp nhất, sáp nhập 3 địa phương.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng đề nghị bổ sung nội dung về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố, HĐND các cấp đã được quy định tại Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương vào dự thảo Báo cáo chính trị để bao quát những kết quả đã đạt được liên quan đến công tác xây dựng chính quyền; nhiệm vụ, giải pháp của các cơ quan này trong thời gian tới.
Minh Trang