Nâng cao trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Nâng cao trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
2 ngày trướcBài gốc
Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, công tác thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí trong những năm qua luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, góp phần quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên nhận thức về thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí chưa thật sự sâu sắc, đầy đủ, có lúc, có nơi thực hiện chưa tốt, chấp hành chưa nghiêm. Một số dự án chậm được triển khai, quá trình thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần hoặc xây dựng xong nhưng không sử dụng gây lãng phí. Công tác tự kiểm tra, phát hiện về lãng phí trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống lãng phí và xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết là sự nêu gương của người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tăng cường kiểm soát quyền lực đối với mọi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, người có chức vụ, quyền hạn, cán bộ, đảng viên, nhất là đang làm việc ở các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh lãng phí như: đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài sản công, tài chính, ngân sách, dự án. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; cải cách hành chính, giảm tối đa và đơn giản thủ tục hành chính, chi phí của người dân, doanh nghiệp.
Nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về ngân sách, tài sản, tài chính theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các công trình, dự án đầu tư có sử dụng đất, vốn, tài sản nhà nước; có phương án xử lý các trụ sở, tài sản công dôi dư trên địa bàn hiệu quả. Giải quyết dứt điểm các dự án chậm tiến độ, sớm đưa vào phục vụ cho sự phát triển KT-XH.
Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững đối với đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tránh thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường. Gắn kết quả từ công tác phòng, chống lãng phí với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030; xác định kết quả thu được từ công tác phòng, chống lãng phí là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra về phòng, chống lãng phí, nhất là những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, dư luận quan tâm. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng, chống lãng phí; động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia giám sát, phát hiện các hành vi lãng phí.
Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác phòng, chống lãng phí và có biện pháp thiết thực bảo vệ người đấu tranh, tố giác hành vi gây thất thoát, lãng phí.
Trong bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích Nhân dân tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của Nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là công việc hằng ngày”.
Tổng Bí thư mong muốn mỗi người phải coi việc thực hành tiết kiệm là nhiệm vụ hằng ngày; xây dựng văn hóa tiết kiệm, ý thức tiết kiệm; tư duy làm việc khoa học, quản lý thời gian hiệu quả, hình thành đạo đức, trách nhiệm xã hội gắn với thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật. Có như vậy mới đưa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành tự giác, tự nguyện, thường xuyên; các nguồn lực của Nhà nước và xã hội được sử dụng có hiệu quả hơn, phục vụ phát triển KT-XH, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Phương Minh
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/nang-cao-trach-nhiem-trong-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-192606.htm