Trường học an toàn
Nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông cho học sinh, trong thời gian qua, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được duy trì và hoạt động hiệu quả tại Trường Tiểu học Quang Trung (thị xã Sơn Tây).
Ghi nhận tại Trường Tiểu học Quang Trung cho thấy, dù nằm trên tuyến đường Hoàng Diệu - khu vực có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng lộn xộn, ùn tắc trong giờ cao điểm trước cổng trường không xảy ra.
Mỗi buổi sáng, chiều, đều có lực lượng Công an, Đoàn Thanh niên phường… phối hợp cùng bảo vệ nhà trường thực hiện bảo đảm an ninh, trật tự an toàn giao thông. Ngay từ cổng trường, những tấm pano, áp phích tuyên truyền về Luật Giao thông cũng được treo để người dân quan sát, có ý thức chấp hành.
Chị Đặng Lan Hương - phụ huynh học sinh cho biết, khi đưa, đón con đến trường chúng tôi đều được hướng dẫn đỗ xe đúng vị trí quy định; không gây mất an toàn giao thông, không dàn hàng dưới lòng đường gây ách tắc, cản trở giao thông.
Phụ huynh, học sinh được nhắc nhở đội mũ bảo hiểm đúng quy cách và lái xe an toàn. Bản thân chị thấy trường đang duy trì và triển khai đảm bảo an toàn giao thông khu vực trường học rất hiệu quả và cần được phát huy.
Tại Trường Tiểu học Quang Trung (thị xã Sơn Tây) phụ huynh học sinh đón trẻ trật tự, văn minh. Khu vực cổng trường không có hiện tượng ùn tắc.
Nói về hiệu quả của mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan - Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ, để duy trì và triển khai đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên khu vực nhà trường không hề dễ. Trường phải đối mặt và nỗ lực khắc phục không ít hạn chế.
Chẳng hạn, trường có diện tích tương đối nhỏ lại nằm trên khu vực phố chợ nên giao thông tương đối phức tạp. Khu vực cổng trường Tiểu học Quang Trung cũng không có vỉa hè, lượng học sinh đông, nên nhà trường phải chấp nhận cho phụ huynh vào khuôn viên trường để đón con. Để đảm bảo trật tự, nhà trường huy động tối đa các lực lượng, nỗ lực cao nhất để hạn chế ách tắc trước cổng trường.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 có 9 chương, 89 điều đã quan tâm hơn đến đối tượng tham gia giao thông yếu thế là các em học sinh. Trong đó, Luật chú trọng đến việc xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.
“Mô hình Cổng trường an toàn giao thông đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn giao thông, được các bậc phụ huynh đồng tình, ủng hộ. Cùng với các phong trào khác, mô hình đã góp phần không nhỏ trong việc tạo ý thức kỷ luật và thói quen tốt cho học sinh ngay từ khi còn nhỏ, tạo môi trường sư phạm an toàn, văn minh, thân thiện” - cô giáo Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Quang Trung chia sẻ.
Cô giáo Nguyễn Thị Mai Yến - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung bổ sung thêm, hiện trường có trên 800 học sinh. Để nâng cao văn hóa giao thông, đảm bảo an toàn cho học sinh, triển khai hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”… Nhà trường đã thực hiện theo chỉ đạo chung của Phòng Giáo dục thị xã cùng kết hợp với Ban phụ trách đội nhà trường, phối hợp cùng các lực lượng như Công an phường… triển khai nhiều chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông.
“Trường cũng giao các đơn vị chức năng chủ động phối hợp với các lực lượng triển khai phương án bảo đảm an toàn giao thông khu vực cổng trường trong những giờ cao điểm…
Nhờ cách làm này, thời gian qua tình trạng ùn tắc trước, quanh cổng trường cơ bản được hạn chế, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, không ùn tắc tại cổng trường”, cô giáo Nguyễn Thị Mai Yến nhấn mạnh.
Làm sao nhân rộng?
Thực tế, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 có 9 chương, 89 điều đã quan tâm hơn đến đối tượng tham gia giao thông yếu thế là các em học sinh.
Trong đó, Luật chú trọng đến việc xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ.
Cụ thể, Điều 6 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó giao trách nhiệm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, chủ trì phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, tích hợp, lồng ghép kiến thức pháp luật về trật tự an toàn giao thông vào chương trình giảng dạy trong các cơ sở giáo dục và giao Bộ Công an chủ trì chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức hướng dẫn lái xe gắn máy an toàn cho học sinh, nhằm nâng cao kiến thức và kĩ năng tham gia giao thông an toàn cho các em học sinh, hình thành nên ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông ngay từ khi còn nhỏ, còn ngồi trên ghế nhà trường.
Dẫn như vậy để thấy, hiện đã có một khung pháp lý vững chắc, là giải pháp bảo vệ học sinh.
Lực lượng chức năng tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông cho học sinh.
Trở lại câu chuyện hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, thực tế cho thấy sự quyết liệt vào cuộc của các ngành chức năng để triển khai mô hình đóng vai trò quan trọng để làm nên hiệu quả.
Chẳng hạn, tại thị xã Sơn Tây, Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã đã tích cực đôn đốc, triển khai tới các trường trên địa bàn những nội dung liên quan đến việc duy trì và đảm bảo an toàn giao thông cho các em học sinh. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tiếp tục đưa nội dung giáo dục về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua.
Nhìn từ Sơn tây có thể thấy, để mô hình cổng trường học an toàn phát huy hiệu quả và được nhân rộng, các nhà trường trên địa bàn Hà Nội, cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe ý kiến đóng góp của phụ huynh, học sinh, để từ đó áp dụng, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng của trường mình.
Bên cạnh đó, cần sự đồng lòng, ủng hộ của phụ huynh và học sinh; tăng cường phối hợp giữa các lực lượng bảo vệ nhà trường và cơ quan chức năng trong bảo đảm an toàn giao thông khi ra vào cổng trường, nhất là lúc tan trường, đông người, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
Đinh Luyện