Ghi nhận ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, giá gạo nguyên liệu IR 504 hiện ở mức 8.200-8.250 đồng/kg (tăng 150 đồng); gạo thành phẩm IR 504 có mức 9.500-9.700 đồng/kg; Trong khi, gạo nguyên liệu CL 555 đang có giá 8.600-8.800 đồng/kg (tăng 200 đồng). Một số loại gạo đặc sản đang “neo” ở mức giá cao như nếp ruột đang là 21.000-22.000 đồng/kg; gạo Nàng Nhen có giá 28.000 đồng/kg, gạo Hương Lài giữ mức 22.000 đồng/kg, còn giá tấm 2 ở mức 7.150-7.250 đồng/kg (tăng 100 đồng)…
Trên thị trường xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VFA nhận định, giá gạo tăng như hiện nay là do vụ thu hoạch lúa Đông Xuân đã kết thúc, nên nguồn cung gạo không còn nhiều, trong khi các khách hàng truyền thống luôn có nhu cầu cao và ổn định với gạo Việt Nam. Số liệu tổng hợp cho thấy, từ đầu tháng 4/2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã và đang hồi phục. Hiện gạo loại tiêu chuẩn 100% tấm đang ở mức giá 323 USD/tấn; loại 5% tấm thu mua với giá 395 USD/tấn; còn giá gạo loại 25% tấm ở ngưỡng 368 USD/tấn. So sánh trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hiện giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đã trở lại vị trí số 1 (đạt 397 USD/tấn), cao hơn so với Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ… Đặc biệt, nhiều thương nhân của Việt Nam đã xuất khẩu được gạo 5% tấm với giá vượt ngưỡng 400 USD/tấn.
Nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu cho sản phẩm lúa gạo Việt Nam đã được Chính phủ định hướng trở thành chiến lược quốc gia
Tương tự, giá các loại gạo đặc sản xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng vượt xa giá gạo đặc sản của Thái Lan và Ấn Độ. Trong đó, giá gạo ST25 xuất khẩu lên đến 1.200 USD/tấn (giá FOB tại cảng TP. Hồ Chí Minh), nguyên nhân do vụ đông xuân vừa qua sản lượng lúa ST25 ít, nhu cầu nội địa với mặt hàng này rất cao. Đối với phân khúc gạo nếp xuất khẩu hiện dao động quanh mức 580-590 USD/tấn, cao hơn nhiều so với đầu quý 1/2025. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho gạo thương phẩm Việt Nam
Theo ông Trần Tấn Đức, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), hiện nay giá gạo xuất khẩu nói chung của Việt Nam đang ở mức cao, phần lớn là nhờ giá bán các loại gạo đặc sản, gạo thơm, gạo nếp - là những loại gạo chiếm tỷ trọng cao khoảng 80% sản lượng trong xuất khẩu.
Gạo Việt Nam đang ở phân khúc trung bình cao và hướng đến phân khúc cao cấp hơn, đi kèm theo giá trị và định vị thương hiệu. Đối với phân khúc này, nhu cầu tiêu dùng đang rất cao, đặc biệt là tại thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU. Tuy nhiên lượng gạo cao cấp của Việt Nam xuất khẩu sang những thị trường này vẫn còn khá ít, song đây cũng là dư địa lớn cho Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu các loại gạo đặc sản, nhằm nâng cao hơn nữa vị thế của gạo Việt.
Trước đó, để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng cho gạo xuất khẩu, một trong những doanh nghiệp sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam là Công ty CP Mía đường Lam Sơn đã hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài đưa nhiều giống lúa mới có chất lượng cao vào khảo nghiệm và nhân rộng. Qua đó, công ty đã đưa giống lúa Japonica J02 của Nhật Bản vào sản xuất quy mô lớn với 500ha trên đồng đất của huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa). Đồng thời, để nâng cao chất lượng, công ty đã áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến và được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đến cuối năm 2024, doanh nghiệp này lần đầu tiên đã xuất khẩu 300 tấn gạo, giá trị 200.000 USD sang Singapore và dự kiến xuất hàng sang Nhật Bản, Australia.
Nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu cho sản phẩm lúa gạo Việt Nam đã được Chính phủ định hướng trở thành chiến lược quốc gia thông qua Quyết định 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Đặc biệt, với sự vào cuộc của NHNN, cùng với sự tham gia tài trợ nguồn lực tài chính cho chương trình của nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng trong và ngoài nước trong hơn 2 năm qua đã tạo động lực để nâng cao giá trị, định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến nay các tỉnh vùng ĐBSCL đã đăng ký tham gia Đề án chuyên canh lúa chất lượng cao với tổng diện tích là 1.015 nghìn ha. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường. Các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2%-24,2% nhờ giảm 30-50% lượng giống, tiết kiệm 30-70 kg phân bón/ha, giảm 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật… Đồng thời, năng suất tăng 2,4-7,0%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12-50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.
Tuyết Anh