Nâng cấp hạ tầng giao thông Đắk Lắk-Phú Yên tạo động lực phát triển sau sáp nhập

Nâng cấp hạ tầng giao thông Đắk Lắk-Phú Yên tạo động lực phát triển sau sáp nhập
6 giờ trướcBài gốc
Sau sáp nhập với Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 18.096 km², dân số trên 3,3 triệu người. Quốc lộ 29 từ thủ phủ cà phê xuống đô thị ven biển của tỉnh Đắk Lắk mới, dài hơn 200km, nhưng là tuyến đường duy nhất nối Tây Nguyên-Nam Trung Bộ mà không vượt núi băng đèo. Đây là một trong những lợi thế để địa phương phát huy tổng lực kinh tế nông nghiệp-rừng-biển và việc nâng cấp Quốc lộ 29 được xác định là then chốt để các thế mạnh có thể phát huy.
Nâng cấp Quốc lộ 29 và xây dựng cao tốc nối “rừng với biển” tạo trục xương sống cho tỉnh Đắk Lắk mới.
Anh Nguyễn Thế Tuấn ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có hơn 10 năm hành nghề đưa đón khách du lịch từ Đắk Lắk đi các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định. Anh Tuấn cho biết, từ Buôn Ma Thuột đi Phú Yên qua Quốc lộ 29, từng là hành trình nhanh nhất, vì quốc lộ tuy nhỏ hẹp nhưng không có đèo dốc quanh co. Còn bây giờ, tuyến đường đã xuống cấp, giao thông giữa Đắk Lắk và Phú Yên sau sáp nhập sẽ là vấn đề không nhỏ. Trước đây, đi từ Buôn Ma Thuột - Phú Yên chỉ mất tầm 3,5 tiếng, giờ thực tế đi phải mất 5 tiếng mới tới nơi. Do đường xuống cấp, muốn đi nhanh cũng không được. Đây là đường duy nhất từ Buôn Ma Thuột đi Tuy Hòa và ngược lại. Sáp nhập để phát triển mà giao thông như vậy thì khó đấy. Nếu muốn thông thương, phát triển sau sáp nhập thì bắt buộc phải nâng cấp, mở rộng đường xá.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thu là một trong khoảng 1.000 cán bộ, công chức đang công tác tại tỉnh Phú Yên có thể sẽ phải di chuyển lên thành phố Buôn Ma Thuột làm việc sau sáp nhập. Bà Thu cho biết, trong chuyến lên Đắk Lắk họp bàn phương án sáp nhập, đoàn đã phải chạy xe rất chậm do đường chật hẹp, xuống cấp, phải né tránh nhiều xe tải chở mía, xe ben chở vật liệu và cả xe đạp của học sinh cùng lưu thông:
“Có rất nhiều đoạn đường xấu, đi về bị đau người ê ẩm mệt cả ngày, thậm chí là qua ngày hôm sau vẫn còn mệt. Sắp tới hai tỉnh hợp nhất chính thức đi vào hoạt động, cán bộ Phú Yên lên Đắk Lắk làm việc sẽ rất khó khăn cho việc đi lại. Mỗi tuần khả năng chỉ về nhà được một lần, khi đi sáng thứ Hai và chiều thứ Sáu về. Nhưng đường xá thế này thì chắc phải đi từ chiều Chủ nhật để sáng thứ Hai mới kịp giờ làm việc.”, bà Nguyễn Thị Thanh Thu cho biết.
Mật độ phương tiện dày đặc trên Quốc lộ 29 đoạn qua tỉnh Phú Yên.
Quốc lộ 29 là một trong những tuyến giao thông quan trọng nối khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; kéo dài đến tận biên giới Đắk Lắk – Campuchia với tổng chiều dài khoảng 293 km. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, 2 làn xe, mặt đường rộng 5,4 mét và 7,5 mét nền đường đầu tư từ nhiều năm trước, Quốc lộ 29 đã thực sự lỗi nhịp phát triển.
Ông Trương Công Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, phương án đang được đề xuất là đầu tư nâng cấp, mở rộng các đoạn tuyến từ Km31+300 (giao Quốc lộ 1, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đến điểm giao Quốc lộ 14 (Km178+062, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) với tổng chiều dài khoảng 147 km. Tuyến đường dự kiến được nâng cấp lên quy mô đường cấp III, với vận tốc thiết kế 60-80 km/giờ, gồm 4 làn xe, nền đường rộng 20,5 m, mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Trước mắt là phải nâng cấp, cải tạo để phục vụ việc đi lại thuận lợi trong điều kiện cán bộ công chức lên công tác dự kiến bắt đầu từ 1/9 tới đây. Hai tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk đã làm tờ trình bằng văn bản gửi Bộ Xây dựng, Tài chính nghiên cứu bố trí kinh phí hỗ trợ cho địa phương để nâng cấp, cải tạo tuyến quốc lộ này trong thời gian sớm nhất.
Đoạn quan Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk dù mới được nâng cấp nhưng khá nhỏ, hẹp.
Theo ông Tạ Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, khi Quốc lộ 29 được cải tạo, nâng cấp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người và phương tiện đi lại, giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội sau sáp nhập. Tuy nhiên, về lâu dài, tỉnh Đắk Lắk mới nhất định phải xây dựng tuyến cao tốc tạo trục giao thông xương sống Đông – Tây hướng ra biển, phát triển theo định hướng của Trung ương. Vấn đề này cũng đã được thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh thống nhất và có thể được triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ngay trong giai đoạn 2025 – 2030 thay vì theo quy hoạch của Chính phủ giai đoạn sau 2030.
Một đoạn Quốc lộ 29 qua tỉnh Phú Yên xuống cấp, bụi mù mịt khi phương tiện xe tải đi qua.
“Với nhu cầu hiện tại trong việc phát sinh sáp nhập hai tỉnh, cũng như định hướng phát triển hướng ra biển, thì việc xây dựng cao tốc cũng rất cấp thiết. Hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk hay sau này là tỉnh mới Đắk Lắk sẽ báo cáo, trình Chỉnh phủ, Quốc hội đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng ngay trong giai đoạn 2025 – 2030", ông Tạ Anh Tuấn cho biết.
Nâng cấp Quốc lộ 29 và xây dựng cao tốc nối “rừng với biển” tạo trục xương sống cho tỉnh Đắk Lắk mới, không chỉ là yêu cầu cấp bách, mà còn tạo động lực chiến lược cho phát triển sau sáp nhập. Một hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ sẽ mở rộng liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển bền vững hơn cho tỉnh Đắk Lắk mới sau sáp nhập cũng như vùng Nam Trung Bộ-Tây Nguyên.
Tuấn Long/VOV Tây Nguyên
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/nang-cap-ha-tang-giao-thong-dak-lak-phu-yen-tao-dong-luc-phat-trien-sau-sap-nhap-post1198190.vov