Nâng chất tín dụng chính sách

Nâng chất tín dụng chính sách
7 giờ trướcBài gốc
Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách
Giám đốc NHCSXH tỉnh An Giang Trần Thế Loan cho biết, đến nay, tổng số thành viên Ban Đại diện Hội đồng Quản trị là 281 người (trong đó, cấp tỉnh 13 người; cấp huyện 268 người). Thời gian qua, Ban đại diện tỉnh bám sát chỉ đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, nghị quyết của Hội đồng Quản trị NHCSXH, tập trung triển khai đồng bộ chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, đối tượng chính sách. Công tác kiểm tra, giám sát địa bàn trên cơ sở được thành viên ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp thực hiện hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của đơn vị được kiểm tra.
Năm 2024, tổng nguồn vốn 5.584 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương chuyển về gần 4.600 tỷ đồng, tăng hơn 455 tỷ đồng so đầu năm, chiếm tỷ trọng 82,4% trong tổng nguồn vốn. Nguồn vốn huy động tại địa phương được Trung ương cấp bù lãi suất là 627,5 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,2% trong tổng nguồn vốn. Nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương là 358,3 tỷ đồng, đạt 196% kế hoạch, chiếm tỷ trọng 6,4% trong tổng nguồn vốn.
Đến ngày 31/12/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 5.544 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 11,1%. Bình quân một hộ có dư nợ 37,03 triệu đồng; đạt 99,8% chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao năm 2024. Tổng dư nợ ủy thác là 5.515 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 99,5% tổng dư nợ của Chi nhánh. Trong đó, dư nợ Trung ương ủy thác qua hội đoàn thể là 5.193 tỷ đồng, chiếm 94,2%; còn lại là dư nợ địa phương ủy thác qua hội đoàn thể.
Năm 2024, doanh số cho vay 1.687 tỷ đồng đã giúp 35.090 lượt hộ được vay vốn. Cụ thể: Chương trình hộ nghèo; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay hộ cận nghèo; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ gia đình sản xuất - kinh doanh vùng khó khăn; cho vay nhà ở xã hội; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay người chấp hành xong án phạt tù…
Ông Trần Thế Loan cho biết thêm: “Trong năm 2025, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh đề ra một số chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, như: Chỉ tiêu giao tăng trưởng tín dụng năm 2025 đến cuối năm đạt trên 12%; phấn đấu giảm nợ quá hạn xuống mức dưới 0,45% trên tổng dư nợ. Đồng thời, lên kế hoạch giảm số hộ, nâng mức cho vay các chương trình, đảm bảo đầu tư vốn hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; từng bước nâng mức dư nợ bình quân/hộ lên 43 triệu đồng/khách hàng”.
Để thực hiện tốt chỉ tiêu của tỉnh về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị, NHCSXH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt, đầy đủ chương trình tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách.
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm giao dịch xã; đảm bảo nguồn vốn giải ngân cho đối tượng thụ hưởng, nhất là đối tượng trong chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu giải pháp nâng mức dư nợ, phát động phong trào thi đua năm 2025 đối với cán bộ, viên chức trong và ngoài ngành, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai các chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách
Các thành viên trong Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh tập trung triển khai theo kế hoạch phân công, chương trình kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, quan tâm đối với các nơi, địa bàn có nhiều nợ quá hạn, lãi tồn đọng cao. Tổ chức chính trị - xã hội tăng cường phối hợp NHCSXH trên địa bàn quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách nhận ủy thác đã ký kết; tập huấn, đào tạo nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ hội nhận ủy thác các cấp, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn.
Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH cấp huyện tiếp tục tập trung vào giải pháp trọng tâm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, cho vay. Đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát trước, trong và sau cho vay, kịp thời phát hiện, khắc phục tồn tại thiếu sót, nâng cao công tác thu hồi nợ đọng. Tăng cường thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, bố trí tăng kinh phí hàng năm để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
TRỌNG TÍN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/nang-chat-tin-dung-chinh-sach-a414873.html