Điều chỉnh tăng từ 11 lên 17 chức vụ cơ bản của sĩ quan
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2024 được ban hành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Đỗ Xuân Tụng tại Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám.
Luật đã điều chỉnh tăng từ 11 lên 17 chức vụ cơ bản của sĩ quan; bổ sung các cấp phó: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và các chức vụ là cấp phó của cấp trưởng đến Phó Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội.
Việc điều chỉnh như trên để phù hợp Kết luận số 35-KL/TW và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân; Quân ủy Trung ương xây dựng Đề án về Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó quy định 17 nhóm chức vụ cơ bản, chia thành 27 bậc.
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung tướng Đỗ Xuân Tụng phát biểu
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, Luật Sĩ quan trước đây quy định có 11 chức vụ cơ bản trong khi cơ cấu tổ chức, biên chế trong Quân đội có nhiều thành phần, lực lượng (có 6.277 chức vụ, 12.310 chức danh) dẫn đến khi xây dựng các văn bản triển khai thực hiện không cụ thể hóa các chức vụ, chức danh cho phù hợp với thực tiễn Quân đội.
Mặt khác, do Luật không quy định cấp phó nên việc quy định phụ cấp chức vụ gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, việc bổ sung chức vụ cấp phó, điều chỉnh tăng từ 11 lên 17 chức vụ cơ bản của sĩ quan để làm cơ sở quy định các chức vụ, chức danh tương đương, phân định rõ cấp trên, cấp dưới và thực hiện chính sách cho sĩ quan là phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong giai đoạn mới.
Điểm mới của Luật là nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp úy từ 46 lên 50 tuổi, Thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi; Trung tá từ 51 lên 54 tuổi, Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi, Đại tá nam từ 57 lên 58 tuổi, nữ từ 55 lên 58 tuổi; cấp tướng nam 60 tuổi giữ nguyên, nữ từ 55 lên 60 tuổi.
Việc nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ để giữ gìn đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh, trình độ, kinh nghiệm, sức khỏe và có thời gian phục vụ Quân đội dài hơn, giảm áp lực đào tạo cán bộ; phù hợp tính chất, nhiệm vụ của sĩ quan phải thường xuyên trực tiếp chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong điều kiện khó khăn, gian khổ, đóng quân làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo...
Đồng thời, bảo đảm cho sĩ quan cấp Trung tá trở xuống khi nghỉ hưu có đủ số năm tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu mức tối đa 75%, thể hiện chính sách ưu việt, làm cơ sở để thu hút, gìn giữ nguồn nhân lực phục vụ Quân đội. Việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan còn bảo đảm kịp thời phục vụ công tác nhân sự cán bộ cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn
Luật năm 2024 quy định sĩ quan được xét nâng lương trước thời hạn và giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp Tướng trước thời hạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn để xét thăng quân hàm sĩ quan cấp tá, cấp úy và nâng lương sĩ quan trước thời hạn.
Theo Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật trước đây không quy định sĩ quan được nâng lương trước thời hạn, dẫn đến sĩ quan đang giữ cấp bậc quân hàm cao nhất của chức vụ đảm nhiệm lập thành tích xuất sắc lại chưa có cơ sở để xem xét nâng lương trước thời hạn nên gây bất bình đẳng trong cùng đội ngũ sĩ quan, không tạo động lực phấn đấu cho số sĩ quan này. Việc bổ sung quy định này để bảo đảm phù hợp, cân đối với pháp luật về cán bộ, công chức, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và tạo bình đẳng trong đội ngũ sĩ quan, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Luật bổ sung quy định sĩ quan do yêu cầu nhiệm vụ mà không được nghỉ hàng năm thì được thanh toán tiền cho những ngày không nghỉ để thống nhất với quy định của pháp luật về lao động, thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ đối với người lao động.
Luật năm 2024 cũng tăng hạn tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị đối với: Cấp úy từ 51 lên 53 tuổi, Thiếu tá từ 53 lên 55 tuổi, Trung tá từ 56 lên 57 tuổi, Thượng tá từ 57 lên 59 tuổi, Đại tá từ 60 lên 61 tuổi và cấp tướng giữ nguyên 63 tuổi.
Quy định này nêu trên vừa giảm số lượng và ngân sách đào tạo sĩ quan dự bị hàng năm, vừa tận dụng được đội ngũ sĩ quan khi nghỉ hưu tiếp tục phục vụ trong ngạch dự bị và số sĩ quan dự bị có kinh nghiệm trong thực tiễn chỉ huy, quản lý, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đơn vị.
Đồng thời, để phù hợp với các chức vụ đảm nhiệm có quân hàm tương đương; sẵn sàng động viên, tổng động viên vào phục vụ Quân đội khi đất nước có tình huống xảy ra, đáp ứng nhu cầu sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị được khôi phục, mở rộng lực lượng theo Quyết tâm Bảo vệ Tổ quốc XHCN và bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 1, Điều 17 Luật Lực lượng dự bị động viên năm 2019: "Độ tuổi sĩ quan dự bị sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam".
Luật còn bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí quỹ đất, thu hồi đất để bàn giao cho Bộ Quốc phòng làm cơ quan chủ quản, triển khai thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội. Quy định này nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng và thống nhất với quy định về trách nhiệm quản lý nhà ở của Bộ Quốc phòng tại khoản 3, Điều 190 Luật Nhà ở năm 2023; bảo đảm sự chủ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội cho Quân đội và đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở của đội ngũ sĩ quan, cho các đối tượng được thụ hưởng trên thực tế.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2024.
Anh Thảo