Nhận diện thách thức với nền kinh tế và tài chính
Ngày 12/12, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường tài chính Việt Nam: Triển vọng và định hướng chính sách” tại tỉnh Ninh Thuận. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam, được tài trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc thông qua KOICA.
TS. Vũ Nhữ Thăng - Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phát biểu tại hội thảo. Ảnh: ĐH
Phát biểu tại hội thảo, TS. Vũ Nhữ Thăng - Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: Bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước những tháng cuối năm 2024 tiếp tục đặt ra nhiều thách thức.
Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo, áp lực lạm phát kéo dài, sự bất ổn của thị trường tài chính và những yếu tố địa chính trị phức tạp tiếp tục cản trở sự phục hồi kinh tế. Đặc biệt là tình hình chính trị của nhiều nước lớn có sự thay đổi quan trọng trong năm nay, dự báo sẽ có cơ hội những cũng để lại nhiều hệ lụy và tiềm ẩn rủi ro thay đổi chính sách trong thời gian tới.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2024 có nhiều phần tích cực nhờ khả năng thích ứng tốt của nền kinh tế Mỹ, lạm phát được kiềm chế tốt ở các nước phát triển, làn sóng cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới tiếp tục mở rộng, dẫn đầu bởi FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ); ECB (Ngân hàng Trung ương châu Âu), BoE (Ngân hàng Trung ương Anh), giúp thúc đẩy các hoạt động sản xuất tiêu dùng và các nước đang phát triển như Ấn Độ - đang dần trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong nước, GDP 9 tháng năm 2024 tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 6,82% so với cùng kỳ năm trước nhờ điểm sáng của hoạt động xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đáng lưu ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong 10 tháng năm 2024 tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023, tăng cả về số lượng và chất lượng nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF đều nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay đồng thời đề cao các hành động nhanh chóng của các cơ quan chức năng để duy trì ổn định tài chính vĩ mô trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bấp bênh.
“Tuy vậy, Việt Nam cũng gặp tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, ước tính hết tháng 11 chỉ đạt 54,7% tổng kế hoạch. Trong đó, tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ODA 11 tháng qua chỉ đạt con số khiêm tốn 39,06%. Các xung đột trên thế giới cũng ảnh hưởng mạnh tới thị trường hàng hóa Việt Nam. Tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 10 đạt 10,08%, vẫn thấp so với mục tiêu 15% được đặt ra từ đầu năm” - TS. Vũ Nhữ Thăng khẳng định.
Phát biểu tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức nền kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam đang phải đối mặt, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục chịu rủi ro thường trực của nhiều xung đột kéo dài với các diễn biến phức tạp, kinh tế Việt Nam sẽ luôn bị đặt vào thế rủi ro bất định nhưng cũng đem lại những thuận lợi nhất định đối với Việt Nam.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã phối hợp với KOICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo quốc tế “Thị trường tài chính Việt Nam: Triển vọng và định hướng chính sách” vào ngày 12/12. Ảnh: ĐH
Giải pháp phát triển thị trường tài chính ổn định, bền vững
Theo các chuyên gia kinh tế, để đảm bảo xây dựng một thị trường tài chính ổn định, Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp, bao gồm: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; Kích thích tổng cầu của nền kinh tế, chú trọng thúc đẩy tiêu dùng trong nước và đa dạng xuất khẩu; tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư; Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và các niện pháp nhằm tiết giảm chi phí vốn. Cùng với đó, thực hiện những giải pháp quyết liệt để nâng hạng thị trường chứng khoán năm 2025.
Liên quan đến giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Thị Huệ - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển Thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng: Mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại Quyết định số 1726/QĐ-TTg phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế. Cùng với đó, Quyết định số 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán nhằm hút vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Gần đây nhất, Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi.
Bà Nguyễn Thị Huệ cho rằng, nâng hạng thị trường chứng khoán là tiền đề nâng bậc tín nhiệm quốc gia. Từ đó, góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có chuyển biến tích cực hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội huy động vốn trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, theo báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới vào tháng 12/2020, việc được nâng hạng sẽ thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam một năm, dòng vốn này chủ yếu đến từ các quỹ đầu 2 tư và nhà đầu tư nước ngoài lớn trên thế giới.
Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, giúp thị trường chứng khoán không chỉ gia tăng số lượng nhà đầu tư mà chất lượng của nhà đầu tư cũng sẽ được nâng cao với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Các công ty chứng khoán, thành viên thị trường và các doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng cũng được tiếp cận với dòng vốn đầu tư ngoại lớn đầu tư gián tiếp vào tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trong nước…
Nguyễn Hòa