Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đảo chiều dòng tiền khối ngoại

Nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ đảo chiều dòng tiền khối ngoại
6 giờ trướcBài gốc
Cơ hội đón nhận hàng tỷ USD từ khối ngoại
Theo thống kê của Bloomberg, từ năm 2010 đến nay, dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài thường chuyển sang mua ròng tích cực và duy trì đà mua vào tại các thị trường chứng khoán được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi.
Tháng 9/2010, các thị trường chứng khoán Chile và Colombia được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo công bố của MSCI. Ngay lập tức, dòng tiền khối ngoại chảy mạnh vào các thị trường này, giá trị mua ròng tăng lên gấp hàng chục lần so với giá trị mua ròng của những năm trước đó.
Cụ thể, tại thị trường chứng khoán Chile, giá trị mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2010 đã tăng từ 327 triệu USD lên 1.764 triệu USD và tăng tiếp lên 4.651 triệu USD, 5.633 triệu USD vào các năm tiếp theo. Tại thị trường chứng khoán Colombia, giá trị mua ròng của khối ngoại tăng mạnh từ 67 triệu USD trong năm 2009 lên 1.488 triệu USD trong năm 2010 và liên tiếp tăng mạnh các năm sau đó lên 3.455 triệu USD.
Khối ngoại tập trung mua ròng tại các thị trường mới nổi trong năm được nâng hạng. Nguồn: Bloomberg, Agriseco.
Tương tự, các thị trường chứng khoán được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi như: thị trường chứng khoán Indonesia (năm 2011), thị trường chứng khoán Philippines (năm 2012), thị trường chứng khoán Qatar (năm 2013), thị trường chứng khoán Romania (năm 2013), thị trường chứng khoán Ấn Độ (năm 2013), thị trường chứng khoán UAE (năm 2014), thị trường chứng khoán Trung Quốc (năm 2017), thị trường chứng khoán Saudi Arabia (năm 2019)… đều ghi nhận giá trị mua ròng của khối ngoại tăng thêm hàng tỷ USD. Chẳng hạn như thị trường chứng khoán Trung Quốc ghi nhận giá trị mua ròng của khối ngoại tăng từ 1 tỷ USD lên 85 tỷ USD trong năm được nâng hạng (2017)…
Hiện, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên (Frontier Market) và đã đạt được 7/9 tiêu chí của FTSE Russell. Hai tiêu chí cần cải thiện là: Xử lý giao dịch thất bại và Chu kỳ thanh toán (DvP).
Các tổ chức đang dự báo Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE trong năm 2025 và có thể được đưa vào chính thức trong tháng 9/2025. Khi được đưa vào danh sách nâng hạng, dự kiến thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đón dòng vốn đầu tư từ 5-6 tỷ USD từ các quỹ ETF tham chiếu theo bộ chỉ số của FTSE và các quỹ chủ động.
Bên cạnh đó, số lượng và chất lượng nhà đầu tư được nâng cao, với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn. Các công ty chứng khoán quản lý phần lớn tài khoản nước ngoài như SSI, HCM, VCI sẽ được hưởng lợi. Các cổ phiếu có vốn hóa lớn như VCB, VHM, FPT, HPG… sẽ là tâm điểm khi dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nỗ lực hoàn thiện môi trường đầu tư, khung khổ pháp lý
Năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều biến động, do ảnh hưởng từ tình hình trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, với lực đỡ từ các chính sách tài khóa, tiền tệ hiệu quả của Chính phủ, nỗ lực trong việc thực hiện các giải pháp nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Để thực hiện mục tiêu nâng hạng vào năm 2025 cũng như tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ việc nâng hạng, cần có các giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lý, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Các thị trường chứng khoán đều tăng mạnh sau khi được nâng hạng. Nguồn: VSDC
Hiện cơ quan quản lý đang nỗ lực từng bước để sửa đổi/bổ sung những vấn đề còn tồn đọng sao cho phù hợp với thông lệ của FTSE và MSCI, nhằm sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE và xa hơn là MSCI.
Theo đó, tháng 09/2024, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC với nhiều quy định mới nhằm tháo gỡ vấn đề non-prefunding của nhà đầu tư nước ngoài, giải quyết được phần nào về chu kỳ thanh toán và quyền tiếp cận thông tin bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, trong đó có đề xuất về việc thành lập cơ quan thực hiện hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP). CCP có vai trò quan trọng, giúp cải thiện rủi ro của thị trường và các giao dịch chứng khoán. Nếu không có CCP, quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn.
Theo đại diện UBCKNN, trong năm 2025, UBCKNN sẽ tập trung vào việc hợp tác với các tổ chức quốc tế để thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường. Cụ thể, cơ quan sẽ đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư, làm việc với các tổ chức cung cấp chỉ số để đảm bảo các tiêu chí được đáp ứng đầy đủ. UBCKNN cũng khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết cải thiện quản trị theo chuẩn mực quốc tế, công bố thông tin bằng tiếng Anh và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Minh Lâm
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/nang-hang-thi-truong-chung-khoan-se-dao-chieu-dong-tien-khoi-ngoai.html