Nắng lên sau bão

Nắng lên sau bão
một giờ trướcBài gốc
Nơi bão lũ đi qua
Chiều muộn, chúng tôi trở lại thôn Tòng Lệnh 1, xã Trường Giang (Lục Nam). Hơn mười ngày trước, thôn bị chia cắt tứ bề bởi nước sông Lục Nam dâng cao. Thế nhưng giờ đây, trên những con đường bê tông bằng phẳng, người đi người lại tấp nập, hàng quán mở cửa, khách ra vào đông đúc. Lũ rút để lại những ngấn nước ở tường nhà, cây ăn quả ven sông; ruộng vườn còn đọng lại lớp phù sa màu vàng đỏ. Trong làng vẫn còn bức tường đổ chưa kịp xây lại của một gia đình trẻ đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Tại sân nhà văn hóa thôn, nhiều cô, bác đang chơi bóng chuyền hơi. Tiếng hò reo vui vẻ, rộn ràng. Trẻ con nô đùa, đạp xe dọc đường làng, ríu rít nói cười.
Cuộc sống yên bình ở thôn Tòng Lệnh 1, xã Trường Giang (Lục Nam).
Em Nguyễn Cao Minh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học và THCS Trường Giang tíu tít khoe: “Cô ơi, mấy ngày trường bị ngập, cháu phải ở nhà, giờ được đến lớp rồi, vui lắm. Từ nhà cháu đến trường rất gần, hằng ngày, cháu đi bộ hoặc tự đạp xe đi học, bố mẹ không phải đưa đón”. Trong thôn, nhiều ngôi nhà đã lên đèn, những đứa trẻ sửa soạn bữa cơm tối đợi cha mẹ đi làm về.
Nghỉ giải lao sau một sét bóng chuyền, bà Đinh Thị Hạnh, 60 tuổi trò chuyện với chúng tôi. Bà kể, nhà bà ở thôn Tòng Lệnh 2 (xã Trường Giang), thường sang thôn Tòng Lệnh 1 chơi bóng chuyền hơi mỗi buổi chiều để rèn luyện sức khỏe. Những ngày mưa bão, nơi bà sinh sống cũng bị cô lập trong biển nước. Nghe bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo các tình huống thiên tai, bà chủ động sắp xếp, thu dọn đồ đạc trong nhà đưa lên vị trí cao hơn rồi ra chợ mua một số thực phẩm thiết yếu để dự phòng. Nhiều gia đình khác cũng vậy. Bởi thế, khi nước mấp mé đường làng rồi dâng cao chỉ trong vài giờ, bà con không bị động, bất ngờ. Hộ nào ở khu vực trũng thấp, nguy cơ ngập úng thì tìm đến nhà người thân, hàng xóm ở tạm.
Người cao tuổi thôn Tòng Lệnh 1 chơi bóng chuyền tại Nhà văn hóa.
"Trong những ngày địa phương bị nước lũ bao vây, chúng tôi luôn được cán bộ xã, thôn quan tâm động viên, giúp đỡ, hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Các hộ đều có đủ thức ăn, thực phẩm thiết yếu, không ai bị đói”, bà Hạnh nói. Sống ở ven sông từ nhỏ, đến giờ bà mới chứng kiến trận lũ lớn như vừa qua. Chồng bà làm nhiệm vụ phòng, chống bão lụt ở huyện, các con đi làm xa chưa kịp về, chỉ ngày ngày gọi điện hỏi thăm tình hình của mẹ. Nhờ được chính quyền thông báo sớm về diễn biến mưa lũ nên gia đình bà cũng như nhiều hộ khác đều an toàn; tuy vậy, trong thôn có một số diện tích lúa và hoa màu, cây ăn quả bị ảnh hưởng bởi lũ.
Bà con vùng lũ luôn động viên nhau bằng câu nói của người xưa "còn người là còn của", lúa, hoa màu rồi sẽ sinh sôi. Ngay sau khi lũ rút, người dân các thôn ven sông Lục Nam tập trung dọn vệ sinh môi trường, nhà nọ giúp nhà kia, không ai ngại vất vả. Giờ đây, cảnh quan sân vườn, đường làng ngõ xóm đều sạch sẽ, phong quang. Trong câu chuyện dưới bóng cây cổ thụ, bên bàn trà lúc sớm mai, các cô, bác đều thể hiện tinh thần lạc quan. Họ nhắc nhau mỗi người, mỗi nhà cùng cố gắng chăm chút ruộng vườn, đồi bãi, nuôi lại đàn lợn, bầy gà, khó khăn rồi sẽ qua đi.
Cũng như bà con thôn Tòng Lệnh 1, Tòng Lệnh 2, xã Trường Giang, trải qua những ngày cam go, căng thẳng ứng phó với thiên tai, người dân thôn Cẩm Xuyên, xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) dường như cảm nhận sâu sắc hơn niềm hạnh phúc khi được sống cuộc sống yên bình. Trưởng thôn Cẩm Xuyên Đào Văn Cường - một trong những cán bộ cơ sở trẻ thuộc thế hệ 9X - kể lại: “Thôn có 615 hộ dân với gần 2.700 khẩu, trong đó có 92 hộ sống ở phía ngoài đê sông Cầu.
Nông dân xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa) chăm sóc cây trồng sau bão.
Mưa lớn trong bão số 3 cùng với lũ trên thượng nguồn đổ về dồn dập khiến nước sông dâng lên rất nhanh, chỉ trong phút chốc đã tràn vào ruộng vườn, nhà cửa của 92 hộ sinh sống ngoài đê. Nhiều nhà bị ngập sâu hơn 2 mét. Trong thời điểm cam go, cấp ủy, chính quyền, các lực lượng chức năng đã kịp thời hỗ trợ địa phương đưa người dân và tài sản của các hộ đến khu vực an toàn. Nhờ đó, thiệt hại đã giảm đáng kể”.
Đêm 11/9, nước lũ mấp mé mặt đê chính đoạn cuối thôn. Không chần chừ, gần 1 nghìn người mang cuốc, xẻng, bao tải, xe rùa ra đắp đất tôn cao mặt đê, quyết tâm bảo vệ làng trước cơn lũ dữ. Nay nước sông Cầu xuống thấp, mọi hoạt động của thôn đã sôi động trở lại. Mỗi buổi sáng, trẻ nhỏ í ới rủ nhau đi học. Trên cánh đồng, nông dân bắt đầu làm đất, chuẩn bị đưa giống cây ngắn ngày vào gieo trồng thay thế lứa rau màu đã hư hại do lũ. Các hội viên Chi hội Phụ nữ thôn vừa gieo thêm hạt hoa giống hai bên đường, đến Tết Nguyên đán tới, xóm làng sẽ rực rỡ sắc hoa.
“Gác nước, canh đê” để giữ làng
Xuôi theo dòng sông Cầu, chúng tôi đến tổ dân phố Quang Biểu, phường Quang Châu (thị xã Việt Yên). Tổ dân phố có hơn 4 nghìn nhân khẩu, ngoài ra còn có gần 5 nghìn công nhân từ nhiều tỉnh, thành phố về thuê trọ. Bà con nơi đây một số ít vẫn cấy lúa, trồng hoa màu, làm nghề vận tải trên sông, còn lại đa số phát triển dịch vụ.
Cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hiệp Hòa hướng dẫn người dân chăm sóc lúa sau mưa bão.
Ông Nguyễn Văn Bắc (63 tuổi), Tổ trưởng tổ bảo vệ an ninh trật tự của tổ dân phố Quang Biểu vững tay chèo đưa chúng tôi di chuyển dọc theo sông Cầu. Dòng nước êm ả, hiền hòa như chưa từng trải qua những ngày cuộn sóng. Vừa nhẹ nhàng khua mái chèo, ông Bắc vừa chăm chú quan sát, kiểm tra bờ đê sau lũ. Gần 20 năm công tác ở địa phương, ông Bắc am hiểu tường tận từng khúc sông, tuyến đường.
Những ngày nước dâng cao, theo yêu cầu của cấp trên, tổ bảo vệ an ninh trật tự tổ dân phố Quang Biểu cắt cử nhau liên tục trực tuần tra đê, canh nước. Ai nấy đều hiểu rằng “đê còn là làng còn, đê vỡ là mất hết”. Bởi vậy, giữa đêm tối mịt mùng, mặc trời mưa nặng hạt, các thành viên trong tổ liên tục soi đèn pin đi dọc đê kiểm tra, nếu có mạch đùn, mạch sủi, sự cố gì còn kịp báo cấp trên xử lý ngay từ phút đầu, giờ đầu.
Sau 7 ngày không chợp mắt bởi lo “gác nước, canh đê” giữ làng, đến khi nắng lên, lũ rút, ông Bắc mới thở phào nhẹ nhõm. Ông chia sẻ: “Nước sông rút nhưng không vì thế mà chủ quan. Đê đã “ngậm no nước” trong nhiều ngày rồi, bây giờ sẽ yếu, tiềm ẩn nguy cơ sạt trượt, lún, nứt. Vì vậy, chúng tôi vẫn được phân công ngày ngày đi tuần tra đê, giữ chốt, ngăn ô tô đi lại để bảo đảm an toàn tuyến đê”.
Từ bao đời nay, dọc hai bên bờ sông Thương, sông Cầu và sông Lục Nam có hàng trăm ngôi làng. Mỗi khi lũ dâng cao, đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhiều gia đình ở những ngôi làng ven sông bị ảnh hưởng. Người xưa có câu “nhất thủy, nhì hỏa” để nói về mức độ nghiêm trọng của hiểm họa do nước (lũ lụt) và lửa (hỏa hoạn) gây ra. Nhiều bậc cao niên trong tỉnh kể rằng, trận lũ vừa qua là lần thứ hai (trước đó là trận lũ năm 1971) trong đời họ chứng kiến nước các sông dâng cao đến vậy. Tuy nhiên, lần này, công tác phòng, chống lụt bão khó khăn hơn rất nhiều bởi dân cư sinh sống ven sông ngày càng đông đúc; nước lũ lên nhanh chủ yếu tầm chiều muộn đến đêm khuya.
Mực nước cao tràn qua nhiều đê bối, có thời điểm cách mặt đê chính chỉ vài chục cen-ti-mét; thời gian ngập úng kéo dài (từ 5 - 8 ngày) khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Sau trận lũ, các hộ đúc rút thêm được kinh nghiệm ứng phó với thiên tai. Dù cuộc sống “cận sông, giáp đê” tiềm ẩn nhiều bất trắc đã rèn cho người dân vùng sông nước tinh thần cảnh giác song họ nhận ra, mỗi trận lũ lại có những diễn biến khác nhau, có xu hướng ngày càng phức tạp. Vì vậy, không bao giờ được chủ quan, lúc nào cũng phải trong tâm thế chủ động, dự phòng các điều kiện, phương tiện cần thiết để bảo đảm an toàn.
Nhịp sống hôm nay đã trở lại bình thường ở những làng quê vùng lũ. Khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, người dân đang khẩn trương lao động sản xuất, chuẩn bị cho mùa vụ mới. Những đôi tay cần mẫn gieo trồng, ươm lại mầm xanh trên ruộng đồng, đồi bãi.
Trịnh Lan – Mai Toan
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/nang-len-sau-bao-101153.bbg