Nặng lòng với di sản của cha ông

Nặng lòng với di sản của cha ông
13 giờ trướcBài gốc
Đội văn nghệ làng Nhân Cao biểu diễn múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ tại một sự kiện
Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc các thành viên trong Đội văn nghệ làng Nhân Cao tập trung ở nhà văn hóa để tập luyện “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ”. Đa phần các thành viên đội văn nghệ đều là những người cao tuổi, nhưng giọng hát, điệu múa vẫn còn khá trong trẻo, mềm mại. Bà Nguyễn Thị Loan, thành viên trong đội cho biết: "Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ là hoạt động nghệ thuật dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng sông nước của cộng đồng làng Nhân Cao. Từ nhỏ, tôi đã được đi xem các bà, các mẹ biểu diễn ở hội làng. Nghe dần thành quen, tôi đã khá thành thạo các điệu múa này và được tham gia một số vai phụ họa. Dần dà những điệu múa đèn ngấm vào tâm hồn từ lúc nào, và tôi đã đăng ký tham gia làm thành viên của đội văn nghệ".
Nét độc đáo, đặc sắc trong điệu múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hát và từng động tác múa để tạo nên tổ khúc múa đèn. Khi nhạc bắt đầu nổi lên, 12 người phụ nữ đội trên đầu một đĩa đèn sẽ vừa hát vừa múa và xếp thành các chữ nhất, nhị, tam, tứ và ngũ. Mỗi bài hát, mỗi bước đi, động tác múa đều mô phỏng lại cuộc sống lao động của Nhân dân như chèo thuyền, kéo lưới, kéo chài... Sau khi biểu diễn các chữ theo hình đã xếp, đội múa sẽ nằm xuống, lật người lăn kết thành bông hoa 5 cánh, rồi từ đó di chuyển thành một hàng ngang nhìn lên ban thờ, hai tay nâng đĩa đèn trên đầu xuống lạy tạ rồi rời sân khấu.
Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ không khó nhưng đòi hỏi người múa phải hết sức khéo léo để làm sao vừa giữ được đèn đội trên đầu, không làm cho nến bị tắt, vừa thực hiện các động tác múa, xếp chữ một cách thuần thục.
Cũng là một trong những hạt nhân của đội văn nghệ làng Nhân Cao, ông Đàm Văn Quyền tâm sự: Các thành viên trong đội văn nghệ đều là những người am hiểu và rất đam mê với múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ. Do đặc thù công việc làm nông nghiệp, đội văn nghệ không có thời gian luyện tập cố định. Tuy vậy, khi có thông báo tập hợp, các thành viên đều cố gắng thu xếp việc nhà đến sinh hoạt. Ngoài việc cùng nhau tập luyện và biểu diễn trong các dịp hội làng hoặc các sự kiện lớn của địa phương, của tỉnh, các thành viên trong đội còn tích cực truyền dạy lại cho các thế hệ đi sau. Tuy nhiên, dù chúng tôi vẫn đang từng ngày, từng giờ nỗ lực, nhưng trước xu thế phát triển của xã hội, không khỏi lo lắng, trăn trở khi lớp trẻ cũng không mấy mặn mà với loại hình nghệ thuật truyền thống này. Vì thế, mong muốn chính quyền địa phương có thêm kế hoạch dài hơi để tập hợp thu hút lớp trẻ. Đồng thời, phải dành sự quan tâm xứng đáng đến đời sống của các nghệ nhân am hiểu và tâm huyết với di sản; tạo các điều kiện thuận lợi về môi trường thực hành, trao truyền di sản phù hợp với các điều kiện phát triển mới.
Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ là nét văn hóa đặc sắc, lâu đời của Nhân dân ở làng Nhân Cao. Thế nhưng ít ai biết rằng, để di sản được gìn giữ đến ngày hôm nay là cả một quá trình đầy gian nan, thử thách của người dân nơi đây. Bởi từng có thời kỳ, vào khoảng năm 1954 đến năm 1976 múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ đã bị mai một, đứt quãng, không được tổ chức. Mãi đến năm 1977 mới được các nhà nghiên cứu văn hóa cùng các nghệ nhân trong làng sưu tầm khôi phục và được hoạt động trở lại. Vinh dự hơn khi múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ ở xã Thiệu Quang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tin rằng, từ sự nỗ lực cống hiến của các thành viên, ngọn lửa của nghệ thuật trình diễn dân gian múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ sẽ ngày càng được lan tỏa trong cộng đồng.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn Thanh Hóa : https://vhds.baothanhhoa.vn/nang-long-voi-di-san-cua-cha-ong-38091.htm