Nặng lòng với Trường Sa

Nặng lòng với Trường Sa
một ngày trướcBài gốc
Quả thực, khi mới đến Bảo tàng Đồng quê, cùng với cảm giác thú vị, nhiều người không khỏi bất ngờ, thậm chí thắc mắc, rằng sao Bảo tàng Đồng quê lại có cả “mảng miếng” quân sự, biển, đảo? Với ai đã biết về Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền, người sáng lập Bảo tàng (từng là chiến sĩ Trường Sơn thời chống Mỹ, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường tuần tra biên giới) thì không bất ngờ, chẳng “thắc mắc” về điều đó.
Đang trên bục giảng trường làng, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vào giai đoạn gay go, quyết liệt nhất, thầy giáo trẻ Hoàng Kiền tình nguyện lên đường nhập ngũ. Tây Trường Sơn một thời trận mạc; Trường Sa đối mặt với khó khăn, bão dông, sóng dữ; Tư lệnh Binh chủng Công binh-binh chủng chiến đấu thời bình; đường tuần tra biên giới vất vả, gian truân-44 năm quân ngũ, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã để lại nhiều dấu ấn trên các lĩnh vực, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Đời binh nghiệp của ông thật phong phú về trải nghiệm, hình ảnh, hiện vật, mà có lẽ những gì hiện hữu ở Bảo tàng Đồng quê chỉ là số rất nhỏ, nhưng quý giá và ý nghĩa vô cùng. Nó làm giàu, làm sống động mối quan hệ hậu phương-tiền tuyến, đất liền-hải đảo.
Nặng lòng với quê hương, nâng niu đời quân ngũ, chuẩn bị nghỉ hưu, Thiếu tướng Hoàng Kiền bàn với vợ là cựu giáo chức Ngô Thị Khiếu về ý tưởng lập một thư viện, đồng thời trưng bày một số hiện vật đồng quê và nhà binh mà vợ chồng ông đã sưu tầm, lưu giữ từ lâu. Nhưng không chỉ là “khu văn hóa đồng quê” mà “thuận vợ, thuận chồng... đã sáng lập hẳn ra Bảo tàng Đồng quê” ở chính quê mình-xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, do phu nhân Thiếu tướng làm giám đốc, còn Thiếu tướng chỉ nhận vai “trợ lý”.
Trong tòa nhà trưng bày chính, “bắt mắt” khách tham quan nhất là sa bàn vùng biển, đảo Trường Sa. Ở phía trên treo trang trọng lá cờ Tổ quốc từng kiêu hãnh tung bay trên cột mốc chủ quyền đảo Đá Lớn (Trường Sa). Dẫu lá cờ đã bạc màu nhưng vẫn thật rõ những chữ ký của cán bộ, chiến sĩ đảo chìm quý tặng người chỉ huy xây đảo.
Thiếu tướng Hoàng Kiền giới thiệu với du khách về Trường Sa qua sa bàn tại Bảo tàng đồng quê.
Dường như đoàn khách nào đến thăm, Thiếu tướng Hoàng Kiền cũng trực tiếp giới thiệu về biển, đảo Trường Sa. Tôi đã 3 lần ra Trường Sa, nhưng nghe ông thuyết minh vẫn thấy thật cuốn hút. Đúng là ông thuộc biển, đảo Trường Sa như lòng bàn tay mình. Cùng với sa bàn, trí nhớ về từng điểm đảo, luồng lạch, giọng ông khi bổng, khi trầm, lúc ngời lên hào sảng, kiêu hãnh, tự hào, lúc lại đau đáu một nỗi niềm... nên ai nghe ông thuyết minh cũng thấy như Trường Sa hiện ra trước mắt, cũng thấy vị tướng này yêu Trường Sa biết mấy, trách nhiệm với biển, đảo thiêng liêng không hề vơi cạn.
Chúng ta đang thực hiện chương trình rất ý nghĩa là “Xanh hóa Trường Sa”. Nghĩ lại, thấy Thiếu tướng Hoàng Kiền đã chủ động thực hiện việc này từ rất sớm. Những chuyến tàu ra Trường Sa, chỉ huy Hoàng Kiền không bao giờ quên động viên bộ đội đi tìm những loại đất tốt nhất chở kèm tặng các đảo vun cây, trồng rau. Qua đường “tiểu ngạch”, Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân) đã tặng Trường Sa hàng nghìn tấn đất màu quý giá, trong đó có cả những bao đất từ quê hương Giao Thủy.
Cuối năm 2005, lần thứ ba tôi ra Trường Sa. Khi đến các đảo, thấy những gốc cây trên nền san hô được phủ một lớp đất bazan; các loại rau, bầu, bí xanh tươi bời bời từ lớp đất màu tơi xốp. Hỏi về đất vun cây, trồng rau ấy, người lính đảo đều khoe rằng “đất bác Kiền tặng đấy!”. Dẫu những vườn rau Trường Sa không có biển đề tên ông nhưng các thế hệ giữ đảo luôn nhớ và lưu truyền, trân trọng câu nói: “Đảo xanh hơn nhờ đất bác Kiền”.
Yêu quý bác Kiền, lính đảo thường tìm những vỏ ốc, vỏ sò đẹp nhất, những cây giống khỏe nhất ở Trường Sa tặng ông khi vào đất liền. Thấy Trường Sa còn cần lắm màu xanh, ông chỉ dám nhận mỗi loài cây một mầm giống, về trồng ở vườn quê. Khi xây dựng Bảo tàng Đồng quê, ông lại nâng niu đánh trồng trong khuôn viên Bảo tàng. Cây bàng quả vuông được trồng ở bên phải cổng chính, xung quanh chiếc ao nhỏ bên trong trồng cây phong ba, bão táp, tra biển...
Trong số các loài cây bộ đội Trường Sa tặng đất liền thì cây bàng quả vuông là khó thích nghi nhất. “Lão nông” Hoàng Kiền thật hiểu điều đó và đã biết, đã dành cho cây quý sự vun trồng, chăm sóc đặc biệt. Khi trồng, ông xúc đi lớp địa bản, rồi đổ cát có trộn thêm một lượng muối và bột san hô (cũng từ Trường Sa mang về), tạo thổ nhưỡng nhân tạo Trường Sa. Vào mùa đông, hôm nào giá buốt, ông dùng nước ấm để tưới và dùng cả chăn cũ quấn cho thân, cành, giữ ấm cho cây. Không phụ công người, cây bàng quả vuông ở Bảo tàng đã vượt qua bao mùa đông giá buốt, vươn lên xanh tốt.
Người xưa nói: “Nghề chơi cũng lắm công phu”. Nhưng sự “công phu” của tướng quân thật đặc biệt! Thú vui chăm cây, chơi cây của vị tướng anh hùng cũng thật đặc biệt-thú chơi sâu thẳm tâm hồn, sâu thẳm về tình yêu biển, đảo, kết thành thú chơi thiêng liêng!
Có người nói với tướng Hoàng Kiền: “Sao bác không tỉa tót, tạo thế, tạo dáng cho những cây mang về từ Trường Sa, như các loại cây khác trong Bảo tàng...?”. Người anh hùng cười hiền, lịch lãm: “Nhìn các cây bộ đội Trường Sa tặng luôn xanh tươi ở Bảo tàng là tôi thấy vui lắm. Ngoài Trường Sa, cây bàng quả vuông luôn vươn thẳng. Còn cây phong ba và cây bão táp thì thân cành mềm mại, uyển chuyển... rất đặc trưng Trường Sa. Tôi nghĩ, dáng tự nhiên của cây đã đẹp lắm rồi nên không cần can thiệp gì nữa...”.
Giám đốc Ngô Thị Khiếu nói về “trợ lý”: “Anh Kiền nặng lòng với Trường Sa lắm! Cũng ít thấy ai yêu cây cỏ như anh Kiền, đặc biệt là những cây bộ đội Trường Sa tặng. Lên Hà Nội chơi với con cháu hay đi hoạt động dài ngày của Hội Truyền thống Trường Sơn... cứ điện thoại về nhà là anh ấy hỏi ngay bàng quả vuông, phong ba, bão táp, có khi quên cả hỏi thăm vợ...”.
Bà giãi bày vậy, nhưng toàn “gam vui” chứ không có ý trách chồng. Bởi tình yêu Trường Sa ở ông đã ngấm sang bà lâu lắm rồi, ngay từ hồi ông mới ra đảo.
Trân trọng tình cảm của vợ chồng Thiếu tướng Hoàng Kiền, tháng 4-2024, Quân chủng Hải quân mời cả giám đốc và “trợ lý” ra thăm Trường Sa. Trước khi đi, “trợ lý” tham mưu cho giám đốc chuẩn bị những món quà ý nghĩa, thiết thực tặng Trường Sa. Giám đốc “tự quyết” đi tìm thêm giống cỏ mực ra tặng đảo. Đây là giống cỏ, bài thuốc quen thuộc của quê biển, vừa có tố chất kháng sinh tốt vừa làm vết thương nhanh cầm máu, mau lành da, rất hữu ích với đảo xa.
Nhận cỏ mực và các loại giống rau, bộ đội đảo vô cùng cảm kích và đề nghị ông bà liệt kê xem ở Bảo tàng Đồng quê đã có những cây gì từ Trường Sa. Qua “kiểm thảo” của “trợ lý”, lính đảo biết Bảo tàng còn thiếu loài cây nhàu-giống cây mới mà bộ đội Trường Sa đã nhân giống thành công. Vậy là anh em chọn ngay cây nhàu khỏe nhất, rồi đánh bầu, cho vào hộp rất cẩn thận tặng vợ chồng bác Kiền. Chuyến tàu ra Trường Sa và trở lại đất liền dịp đó thêm nặng tình đất liền-hải đảo, thêm nặng tình cây và đất.
Xuân này, Bảo tàng Đồng quê có thêm cây mới từ đảo xa. Những cây quý ở Trường Sa về Bảo tàng đã vượt qua cơn bão số 3 (bão Yagi), vượt qua mùa đông buốt giá để xuân sang đâm chồi, nảy lộc, làm sinh động hơn không gian Trường Sa ở một miền quê ven biển. Ngày xưa “thầy lên đường đi làm anh bộ đội”, nay về hưu, Thiếu tướng, thầy giáo Hoàng Kiền lại tiếp tục cùng cô giáo có những “bài giảng” mới, trên “giảng đường” mới. "Bài giảng" bên Bảo tàng Đồng quê thật sinh động về biển, đảo Tổ quốc, về Trường Sa thiêng liêng, kiên cường và kiêu hãnh!
Bút ký của TÔ THÀNH TUYÊN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/bao-xuan-at-ty-2025/nang-long-voi-truong-sa-813059