Trong dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh mức giảm trừ để trình cấp thẩm quyền xem xét.
Phương án 1, điều chỉnh theo tốc độ tăng CPI. Như vậy, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng. Còn người phụ thuộc được nâng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.
Bộ Tài chính đánh giá phương án này đúng theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, đảm bảo nhu cầu thiết yếu cuộc sống và mức trượt giá từ thời điểm điều chỉnh gần nhất.
Phương án 2, điều chỉnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người. Theo đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế dự kiến lên 15,5 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 6,2 triệu đồng/tháng.
Bộ Tài chính giải thích phương án này sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp ở mức cao hơn. Nếu thực hiện theo phương án này, ngân sách sẽ giảm thu, nhưng khi mức giảm trừ gia cảnh cao hơn thì nộp thuế ít đi, thu nhập khả dụng của người dân tăng lên. Qua đó, việc này sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội, và gián tiếp giúp tăng thu ngân sách từ các nguồn khác trong trung, dài hạn.
Như vậy, ở cả hai phương án Bộ Tài chính đưa ra, mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế tăng thêm 2,3-4,5 triệu, còn người phụ thuộc 0,9-1,8 triệu đồng một người một tháng so với hiện tại. Dự kiến, mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ được thực hiện từ khi nghị quyết có hiệu lực thi hành và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2026.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này là do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giai đoạn 2020-2025 tăng khoảng 21,24%, tức vượt 20% - ngưỡng cần điều chỉnh giảm trừ gia cảnh theo quy định. Ảnh minh họa
Đánh giá về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia về thuế, cho rằng việc đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho thấy Bộ Tài chính cầu thị, tiếp thu những ý kiến góp ý của người nộp thuế, chuyên gia và các bộ ngành. Đáng chú ý, lần này Bộ Tài chính không chỉ căn cứ theo mức tăng của CPI mà còn “nghiêng” về phương án 2 - giúp có lợi hơn cho người nộp thuế có thu nhập từ tiền công tiền lương khi tính đến cả tốc độ tăng GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người.
Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, dù mức thuế suất cao nhất 35% của Việt Nam không phải là cao so với các nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển như Thụy Điển (56,6%), Đan Mạch (55,4%), Hà Lan (52%), Australia, Bỉ, Anh (50%), hay Nhật Bản (50%), nhưng độ giãn cách giữa các bậc thuế của các nước khá lớn, trong khi với Việt Nam, biểu thuế suất quá dày với các bước thuế ngắn, gây áp lực cho người nộp thuế, nhất là những người có thu nhập ở mức thấp do thu nhập của họ chỉ vừa nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn.
“Tôi cho rằng ngay cả khi mức giảm trừ gia cảnh 15,5 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 6,2 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc cũng vẫn chưa thật sự hợp lý trong bối cảnh giá cả các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tăng cao trong suốt 5 năm qua. Điều này khiến người nộp thuế thu nhập cá nhân gặp nhiều khó khăn.
Do đó, có thể mức giảm trừ gia cảnh cần nâng lên 17 - 18 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 8 - 9 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc thì mới có thể đảm bảo được cuộc sống an sinh của người dân. Và điều này cần làm ngay trong năm nay thay vì để kéo dài đến sang năm”, TS Nguyễn Ngọc Tú nhận xét.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng/tháng lên bao nhiêu là phù hợp thì đòi hỏi cần nghiên cứu đồng bộ các chỉ tiêu về thu nhập GDP bình quân, mức thu nhập vùng, nhu cầu chi tiêu thiết yếu cho đời sống, chỉ số biến động giá.
Cùng với đó, cần nghiên cứu kết hợp nâng mức giảm trừ gia cảnh với giãn khoảng cách giữa các bậc thuế, nghiên cứu bỏ thuế suất 35%, nghiên cứu giảm thuế đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao để bảo đảm những người có thu nhập khác nhau đều được giảm điều tiết về thuế, bảo đảm bình đẳng cả về chiều ngang, chiều dọc của thuế thu nhập cá nhân.
LƯU THỦY