Trao đổi với Báo Giao thông, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, Cục CSGT cho biết, việc đề xuất xử phạt vi phạm theo hướng tăng nặng với một số hành vi nhằm tạo sự răn đe, từ đó kéo giảm tai nạn giao thông.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật.
Phạt nặng các lỗi cố ý
Cục CSGT đang tham mưu xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Những nội dung nào dự kiến sẽ được điều chỉnh, thưa ông?
Nghị định này xuất phát từ thực tiễn đảm bảo trật tự ATGT, quá trình phân tích nguyên nhân, điều kiện hình thành các vụ tai nạn giao thông. Qua đó, Cục CSGT thấy nhiều hành vi, nhóm hành vi nguy cơ cao gây ra các vụ tai nạn hậu quả từ rất nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng mà cần thiết phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Thời gian tới, ngoài dự kiến nâng mức xử phạt, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của hệ thống giám sát (phạt nguội). CSGT sẽ tăng cường gửi thông báo đến các chủ phương tiện có xe vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, nhất là đối với xe máy.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật
Với dự thảo lần 4 này, cơ quan soạn thảo dự kiến điều chỉnh tăng mức xử phạt một số hành vi và nhiều nhóm lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông.
Việc đề xuất tăng mức xử phạt nhằm ngăn chặn vi phạm, coi đó là một trong những mối nguy hiểm làm mất kỷ cương trong quá trình thực thi pháp luật về trật tự ATGT.
Bên cạnh đó, để việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, bên cạnh việc tuyên truyền thì chế tài phải đủ sức răn đe, nhất là đối với những hành vi cố ý xâm phạm trật tự ATT.
Ông có thể nêu dẫn chứng một số hành vi vi phạm được coi là cố ý xâm phạm như ông vừa đề cập?
Điển hình như hành vi của người lái xe hay chủ xe dán, che biển số, sử dụng biển số không do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp (biển số giả). Đây rõ ràng là lỗi cố ý nhằm trốn tránh việc xử lý của lực lượng chức năng.
Ngoài mục đích né việc nộp phạt nguội, một số người làm việc này còn để che giấu hành vi vi phạm pháp luật, từ đó tẩu thoát, gây khó khăn cho cơ quan công an khi truy tìm phương tiện. Thậm chí, hành vi này còn để lại hậu quả khiến người khác phải gánh chịu, khi nhiều khổ chủ bị oan.
Khi chế tài mới được áp dụng vào thực tế, chắc chắn sẽ ngăn chặn được một bộ phận tài xế cố tình vi phạm các lỗi về biển số xe.
Với các trường hợp vi phạm mà bị người dân phản ánh hay tố giác bằng hình ảnh, CSGT có trách nhiệm xác minh làm rõ để xử lý đúng theo quy định.
Nhiều tài xế không quan tâm hậu quả
Một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm là đề xuất tăng mức phạt gấp nhiều lần đối với một số hành vi vi phạm trên đường cao tốc. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đó là đề xuất nâng mức phạt tiền từ 16-18 triệu (đang áp dụng) lên từ 30-40 triệu đồng, trừ hết 12 điểm giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, lùi xe trên đường cao tốc.
Trong những hành vi vi phạm xảy ra trên đường cao tốc, Cục CSGT đánh giá đây là lỗi vi phạm pháp luật ở mức nghiêm trọng, coi thường tính mạng của nhiều người.
Đặc thù của đường cao tốc là các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, hành vi hành vi đi lùi hay đi ngược chiều mà gây tai nạn thường để lại hậu quả rất nặng nề.
Thời gian qua, các đơn vị phụ trách tuần tra tuyến đường cao tốc thuộc Cục CSGT ghi nhận tình trạng hành vi đi lùi, đi ngược chiều có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ rất cao.
Theo quy định hiện hành, tài xế vi phạm lỗi này bị phạt đến 18 triệu đồng và tước bằng lái xe trong 6 tháng. Song, dường như mức phạt này chưa đủ sức răn đe bởi nhiều tài xế vẫn cố tình thực hiện. Họ dường như không cần biết đến hậu quả.
Tăng mức phạt sẽ tạo được răn đe
Đa số nội dung mới đều dự kiến sẽ áp dụng đối với xe ô tô vi phạm. Vậy còn với xe máy thì sao, thưa ông?
Riêng đối với xe máy, Ban soạn thảo đã đề xuất nâng mức xử phạt từ 800 nghìn - 1 triệu lên mức 4-6 triệu đồng đối với tài xế không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ). Đây là hành vi vi phạm khá phổ biến.
Theo đề xuất, hành vi che biển số sẽ bị phạt rất nặng do đây là lỗi cố ý (ảnh minh họa).
Vượt đèn đỏ cũng là một trong những mối nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây ra tai nạn giao thông bất cứ lúc nào. Nhiều trường hợp còn vượt đèn đỏ ngay cả nơi có sự hiện diện của lực lượng chức năng.
Một thực trạng tham gia giao thông ở Việt Nam dễ dàng bắt gặp, đó là tại các giao lộ mà vắng bóng lực lượng CSGT thì một bộ phận không nhỏ người lái xe, nhất là xe máy sẵn sàng vượt đèn đỏ.
Hay kể cả trong các khung giờ cao điểm khi mà CSGT còn mải phân luồng, vẫn có nhiều trường hợp cố tình không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Nguyên nhân vi phạm chủ yếu do lối sống, thói quen và suy nghĩ chế tài chưa đủ sức răn đe.
Ban soạn thảo có kỳ vọng với việc nâng mức phạt với hàng loạt lỗi vi phạm giao thông, ý thức người tham gia giao thông sẽ tăng lên, tuân thủ pháp luật tốt hơn?
Trước khi đưa ra những đề xuất nêu trên, Cục CSGT cũng đã tham khảo kinh nghiệm từ những kế hoạch trước đó, điển hình là nâng mức xử phạt vi phạm về nồng độ cồn.
Thực tế có thể khẳng định, sau khi nâng mức xử phạt, bước đầu đã tạo cho nhiều tài xế ý thức chấp hành tốt, tạo thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe.
Ban soạn thảo cũng tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia khi họ xử phạt vi phạm hành chính ở mức cao, kết hợp các biện pháp quản lý khác (như trừ điểm bằng lái xe) để siết chặt quản lý người lái xe sau sát hạch.
Do đó, tăng mức xử phạt hành chính đối với một số nhóm hành vi vi phạm trên đường cao tốc, nhóm hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông là điều cần thiết.
Cảm ơn ông!
Hoàng Lam (thực hiện)